Để nâng cao giá trị kinh tế bền vững cho cây nho

(NTO) Trong khuôn khổ Lễ hội Nho – Vang quốc tế Ninh Thuận lần thứ nhất năm 2014, ngày 18-7, tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng phát triển cây Nho và Vang Ninh Thuận”, nhằm tìm giải pháp để nâng cao kỹ thuật canh tác nho và giá trị kinh tế cho cây nho trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Hạn chế kiến thức và công nghệ:

Cây nho được du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1960- 1971 và đến năm 1980, nho được trồng chủ yếu tại tỉnh ta, hiện nay chiếm hơn 85% diện tích trồng của cả nước. Tuy chỉ chiếm 3% so với tổng diện tích đất nông nghiệp của cả tỉnh, nhưng giá trị kinh tế của cây nho (chưa kể chế biến và các dịch vụ khác đi kèm) chiếm khoảng 13,6% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Với năng suất khoảng 30-40 tấn/ha/năm, giá trị kinh tế đạt từ 100 đến 150 triệu đồng, cây nho Red Cardinal, NH 01-48 không chỉ góp phần giảm nghèo, mà còn là cây làm giàu và nâng cao thu nhập cho người dân.

Niềm vui của nông dân được mùa nho NH 01-48. Ảnh: văn Miên

Theo đồng chí Châu Thanh Long, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiềm năng quỹ đất để phát triển cây nho tại Ninh Thuận rất dồi dào, cây nho được ngành Nông nghiệp xác định là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh trong phát triển nông nghiệp, nhưng do chưa được khai thác đúng tầm, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ sinh học, việc chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn nhiều hạn chế, cho nên chưa đạt năng suất và mang lại giá trị kinh tế như mong muốn.

Thực tế cho thấy, hầu hết nông dân chưa tuân thủ quy trình bón phân và cải tạo đất trồng nho mà ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo, do vẫn bón phân theo cảm tính đã làm chua và chai cứng đất, làm mất cân đối dinh dưỡng trong đất và làm giảm vi sinh vật có lợi, khó thoát nước, bộ rễ nho phát triển kém, cho nên cây dễ bị nhiễm sâu bệnh, chất lượng màu sắc, độ ngọt của quả nho giảm, dẫn đến giá trị thương phẩm giảm.

Do sản lượng các giống nho để chế biến rượu không nhiều, cho nên việc chế biến vang nho tại tỉnh ta chưa chuyển biến tích cực. Hiện nay, Nhà máy chế biến vang nho với công suất 2 triệu lít/năm của Công ty CP Vang Thăng Long tại Cụm công nghiệp Thành Hải dường như “án binh bất động”, chỉ còn lại ba cơ sở gọi là chủ lực sản xuất, chế biến vang nho là: Trang trại nho Ba Mọi, cơ sở Thiên Thảo và cơ sở Viết Nghi sản xuất mỗi năm khoảng 4 nghìn lít. Ngoài ra, có 39 cơ sở chế biến vang nho hộ gia đình, nhưng sản lượng không đáng kể.

Do thiếu đầu tư công nghệ, các cơ sở chủ yếu chế biến theo phương pháp truyền thống. Mặt khác, vùng nguyên liệu sản xuất vang nho theo hướng công nghiệp chưa được hình thành, người dân vẫn dùng nho ăn tươi để chế biến vang, cho nên chất lượng vang nho chưa cao, vì thế không đủ sức để cạnh tranh trên thị trường.

“Cả tỉnh chỉ có bốn ha trồng hai giống nho nguyên liệu làm vang, là: Nho Shiraz và nho Savignon Blank, cho nên không đủ để sản xuất vang nho chất lượng”- Chủ trang trại Ba Mọi bộc bạch.

Đi tìm giải pháp:

Nhiều ý kiến cho rằng, còn nhiều khó khăn cần sớm được tháo gở, thì nho và vang nho Ninh Thuận mới phát triển như mong muốn. Mặc dù, tỉnh đã có định hướng quy hoạch phát triển cây nho ăn tươi và nho chế biến vang đến năm 2020 với diện tích là 2.500 ha tại các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam và TP Phan Rang – Tháp Chàm, trong đó phấn đấu đến năm 2020, diện tích trồng nho để chế biến vang khoảng 20%, đặc biệt phấn đấu đến thời điểm đó, tỷ trọng giá trị sản xuất từ cây nho chiếm từ 18-19% giá trị sản xuất trồng trọt và chiếm từ 21-22% giá trị sản xuất cây trồng chính.

Theo ông Phạm Văn Phước, đại diện của Viện nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, từ năm 2006 đến nay, qua 131 mẫu giống nho tại vườn tập đoàn của Viện, đã chọn được một số giống có triển vọng, như: NH 01-26, NH 01-138, NH 01- 139, NH 01-152 (nho ăn tươi); NH02-97, NH02-137 (nho chế biến vang). Trong đó, giống nho NH 01-152 cho năng suất cao, chất lượng và đang được đưa vào sản xuất thử tại Ninh Thuận.

“Hiện tại, tỉnh chỉ cơ cấu phổ biến hai giống nho là: Red Carninal và NH 01-48 thì chưa bảo đảm cho việc phát triển và xây dựng thương hiệu sản phẩm lâu dài. Cần duy trì, khảo nghiệm đánh giá tính thích nghi, ổn định của các giống đã được nhập nội, để chọn lọc giống có triển vọng, bổ sung vào cơ cấu giống khi mở rộng diện tích sản xuất.”

Để nâng cao giá trị kinh tế bền vững cho cây nho và vang, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm triển khai một cách đồng bộ và cụ thể chiến lược mà tỉnh đã đề ra. Trước mắt, tập trung quy hoạch và thực hiện vùng trồng nho an toàn theo hướng VietGap để chủ động tăng sức cạnh tranh sản phẩm với các loại nho ngoại nhập. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư công nghệ; hoàn chỉnh mạng lưới khuyến nông, nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ khuyến công cơ sở phục vụ đến tận hộ sản xuất, giúp người dân hiểu nâng cao nhận thức trong áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng; đẩy mạnh quảng bá và phát triển thương hiệu Chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm nho của tỉnh Ninh Thuận” tại các thị trường tiêu thụ lớn trong nước; chú trọng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết với các hợp tác xã, nông dân bằng các chính sách ưu đãi về vốn, tiêu thụ, bảo hộ sản phẩm…

Với những lợi thế về thổ nhưỡng, thời tiết, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thôn và người trồng nho, chế biến vang tại tỉnh ta đang trực diện với những thách thức không đơn giản, đòi hỏi phải hết sức nỗ lực thì mới đạt được mục tiêu đề ra.