Du lịch Ninh Thuận: Tìm hướng đi bền vững

(NTO) Khi được xác định là một trong sáu trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thì ngành Du lịch đã được quan tâm, đầu tư từ khâu hạ tầng cho đến xúc tiến, quảng bá du lịch và dịch vụ du lịch. Nhiều điểm đến lý thú, nhiều loại hình phong phú được mở ra đã tạo nên nét riêng, khác biệt của du lịch Ninh Thuận. Tuy nhiên, xem xét trên bản đồ du lịch cả nước, du lịch Ninh Thuận vẫn còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ để phát triển bền vững.

Nỗ lực “đánh thức” tiềm năng

Để có những bước phát triển mới về du lịch, tỉnh đã quan tâm đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho phát triển hạ tầng du lịch. Điển hình như tuyến đường ven biển nối Bình Tiên với Cà Ná, hạ tầng du lịch Vĩnh Hy, Bình Sơn-Ninh Chử; không ngừng kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh và tạo thuận lợi cho phát triển du lịch. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt 10 dự án du lịch mang tính động lực ưu tiên được triển khai từ nay đến năm 2015, tập trung khai thác và phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp. Ngoài ra còn phát triển 4 trung tâm du lịch dịch vụ; tiếp tục phát triển 4 tuyến du lịch nội tỉnh và hình thành 3 tuyến mới về các địa chỉ có “thương hiệu” như: du lịch biển Vĩnh Hy, Bình Tiên, Ninh Chử, Mũi Dinh Cà Ná; làng gốm Bàu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp; Tháp Po Klong Garai; Đền Inư Nưgar; Vườn nho Ba Mọi; Vườn quốc gia Phước Bình,Vườn quốc gia Núi Chúa; Suối nước nóng Krông Pha, Vườn cây ăn trái Lâm Sơn, Thác Sakai...

 
Du khách quốc tế lướt ván trên biển Bình Sơn - Ninh Chử. Ảnh: V.M

Cùng với đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tới thị trường trong và ngoài nước cũng từng bước đi vào trọng tâm, trọng điểm và có tính chuyên nghiệp hơn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tổ chức gặp gỡ các công ty lữ hành nội địa và quốc tế tìm hướng liên kết, hợp tác kinh doanh giữa các công ty lữ hành và các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ… Thông qua các chiến dịch quảng bá, các sự kiện lớn về văn hóa, thể thao tầm quốc gia và quốc tế đã góp phần đưa Ninh Thuận vào bản đồ du lịch của cả nước. Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch cũng rất được chú trọng với việc tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ khách sạn, lữ hành, hướng dẫn viên, thuyết minh viên… Ngoài ra, tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các biện pháp chấn chỉnh an ninh trật tự, giữ gìn môi trường các điểm du lịch, nhất là các bãi tắm trong thành phố để thu hút du khách.

Theo thống kê, vài năm trở lại đây, hoạt động của ngành du lịch tỉnh đã đạt được kết quả khả quan với lượng khác tăng nhanh và ổn định. Năm 2012, có 950 nghìn khách du lịch; năm 2013 là 1,1 triệu lượt khách và dự kiến trong năm 2014 sẽ thu hút khoảng 1,3 triệu lượt khách. Riêng trong 3 tháng đầu năm nay, ngành du lịch tỉnh đã đón 378 nghìn lượt khách, cao hơn 40,66% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó lượng khách quốc tế 24.169 lượt, tăng 19,24 % so cùng kỳ.

Ông Hồ Sĩ Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Du lịch tỉnh ta có những lợi thế mà không phải tỉnh nào trong khu vực cũng có được. Trước hết phải kể đến du lịch biển với Bình Tiên, Vĩnh Hy, Ninh Chử-Bình Sơn, Mũi Dinh, Cà Ná; du lịch văn hóa-lịch sử với các sản phẩm như du lịch hành trình lễ hội văn hóa Chăm, tham quan di tích Tháp Chăm, làng nghề truyền thống; du lịch sinh thái gắn với biển, thác, vườn quốc gia, sinh thái nông nghiệp, cảnh quan tự nhiên; du lịch mạo hiểm; du lịch dịch vụ cao cấp… Nếu làm tốt công tác quảng bá, kết nối các loại hình du lịch và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc thù thì có thể thu hút lượng khách rất lớn từ các đô thị lớn đổ về vào dịp cuối tuần, lễ, tết cũng như thu hút khách lữ hành quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng.

 
Một góc Khu nghỉ mát Amanơi (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải).

Vượt khó để tạo liên kết trong du lịch

Cũng theo ông Hồ Sĩ Sơn, sự kết nối chặt chẽ trong du lịch chính là điểm mấu chốt, là yếu tố cần để tạo nên thương hiệu và mang lại sự bền vững cho du lịch tỉnh nhà. Tuy nhiên, để có được sự kết nối này thì trước hết, ngành Du lịch tỉnh ta phải vượt qua rất nhiều những khó khăn, vướng mắc. Phải kể tới đầu tiên đó là các doanh nghiệp lữ hành và lưu trú trong tỉnh còn nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp, chủ yếu mới chỉ làm về môi giới mà không bao thầu trọn gói như các nơi khác. Ngược lại, các doanh nghiệp lữ hành chuyên nghiệp ở tỉnh khác có thể chọn tỉnh ta là điểm đến trong hành trình tour cho khách hàng của mình mà lại không đặt văn phòng địa diện tại tỉnh.

Thiếu các nhà đầu tư lớn và chuyên nghiệp cũng được coi là “thiệt thòi” lớn cho du lịch tỉnh ta. Tiềm năng du lịch tỉnh ta không thiếu, nhiều dự án du lịch cũng đã được quảng bá rộng rãi để kêu gọi sự đầu tư. Về phía nhà cung cấp dịch vụ du lịch, đơn cử chúng ta có du lịch vườn nho Thái An, nho Ba Mọi, làng nghề gốm Bàu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp, vườn cây ăn trái Lâm Sơn. Tới đây, du khách vừa được tham quan, tìm hiểu, vừa được mua đặc sản với giá gốc… Vậy nhưng, các “gia chủ” lại chưa mấy “mặn mà” kết nối với các đơn vị lữ hành do du khách rời rạc, thiếu định hướng tuyến của cơ quan quản lý Nhà nước. Thêm vào đó, nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch cũng là vấn đề đáng bàn. Tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên tại các khu di tích văn hóa, thậm chí khi đã có hướng dẫn viên nhưng lại thiếu trình độ, không chuyên nghiệp cũng là nguyên nhân gây cản trở sự kết nối giữa các điểm đến trong du lịch tỉnh nhà.

 
Nhiều du khách quốc tế ưa thích sản phẩm dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Ảnh: V.M

Để giải quyết các vấn đề trên, ngành Du lịch tỉnh đã có những kế hoạch mang tính tổng thể, vĩ mô, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp: Đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở du lịch tạo yếu tố phát triển bền vững; đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch; tăng cường biện pháp quản lý nhà nước về du lịch; giải pháp về nguồn nhân lực, về vốn đầu tư cho du lịch; thực hiện việc liên kết phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh tiểu vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây nguyên; chú trọng nhóm giải pháp về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.

Từ định hướng liên kết trong du lịch, cũng có một số doanh nghiệp đã kết nối các điểm du lịch, xây dựng điểm đến trong hành trình tour của mình. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Thương mại – Dịch vụ - Du lịch Hành Trình Mới, ở phường Đài Sơn (Phan Rang- Tháp Chàm) cung cấp tour tham quan, tìm hiểu về làng gốm Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, vườn nho Ba Mọi, tham gia các hoạt động trên bãi biển Ninh Chử, du lịch Vịnh Vĩnh Hy bằng tàu đáy kính; liên kết với cơ sở lưu trú để khách nghỉ dưỡng trước khi kết thúc cuộc hành trình đầy ấn tượng. Tuy số lượng doanh nghiệp “trọn tour” còn ít và rời rạc nhưng phần nào cho thấy tín hiệu đáng mừng trong liên kết phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.