Xây dựng và chỉnh đốn Đảng dưới ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong hệ thống Tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về Đảng Cộng sản của Người có vị trí đặc biệt quan trọng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng được hình thành, phát triển trong quá trình Người tiếp thu bản chất cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chặt chẽ Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản là đội tiền phong của giai cấp công nhân. Bản chất giai cấp của Đảng thể hiện ở chỗ được vũ trang bằng Chủ nghĩa Mác-Lênin, hệ tư tưởng tiên tiến của giai cấp vô sản. Đảng không chỉ đại diện cho giai cấp công nhân mà còn vì quyền lợi chung của nhân dân lao động. Để giữ vững vị trí và vai trò lãnh đạo cách mạng của mình, Đảng phải thường xuyên được xây dựng và chỉnh đốn, phòng và chống nguy cơ thoái hóa, biến chất trong đội ngũ. Mỗi đảng viên phải là người đầy tớ trung thành với nhân dân, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân.

Là người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta, Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng Đảng mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tuân thủ, vận dụng sáng tạo các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng theo học thuyết xây dựng Đảng kiểu mới của V.I. Lênin. Theo Hồ Chí Minh, “chỉnh đốn lại Đảng” là sự sửa sang, sắp đặt lại cho đúng nguyên tắc, cho có nề nếp về bộ máy tổ chức, các nguyên tắc, quy tắc hoạt động, về đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng… để luôn phù hợp và luôn ngang tầm với những yêu cầu mới của mỗi giai đoạn cách mạng, mỗi khi cách mạng chuyển giai đoạn. Trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, vấn đề con người (cán bộ, đảng viên) là công việc đầu tiên. Và trong các nội dung về xây dựng, chỉnh đốn con người thì vấn đề phẩm chất cán bộ và tư cách đảng viên là yếu tố quyết định để có một Đảng thực sự chân chính, cách mạng, trong sạch và vững mạnh. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải thường xuyên tự giáo dục và rèn luyện về đạo đức và năng lực công tác.

Quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Hồ Chí Minh coi việc nhận thức và thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất. Tập trung trong Đảng có nghĩa là thiểu số phải phục tùng đa số, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, tất cả đảng viên phải phục tùng nghị quyết của Đảng. Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, “phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình; phải gom góp ý kiến của đảng viên để giúp đỡ Trung ương chuẩn bị Đại hội Đảng cho thật tốt”(1). Người coi tập trung và dân chủ là sự thống nhất biện chứng, tập trung không đối lập và tách rời dân chủ và ngược lại. Tập trung dân chủ, trong quan niệm của Người, còn là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Hồ Chí Minh khẳng định phê bình và tự phê bình là quy luật phát triển Đảng, là “thang thuốc hay nhất” để Đảng ngày càng phát triển (2). Mục đích của phê bình và tự phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, tăng cường sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Theo Hồ Chí Minh, xây dựng và chỉnh đốn Đảng là hai mặt của một quá trình thống nhất biện chứng, tác động qua lại với nhau, mặt này lấy mặt kia làm điều kiện, tiền đề của nhau. Trong xây dựng có chỉnh đốn, chỉnh đốn về thực chất là xây dựng. Chỉnh đốn Đảng là nâng tầm năng lực của mỗi đảng viên, mỗi chi bộ để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ mới. Muốn chỉnh đốn Đảng thì trước hết “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, giữ gìn Đảng thật trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Chỉnh đốn Đảng “là một cuộc đấu tranh chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Để việc chỉnh đốn lại Đảng có kết quả, Đảng “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(3).

Suốt tám thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua bao gian nan thử thách, cách mạng nước ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những thành tựu đổi mới vừa qua do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, một lần nữa chứng minh sự phát triển và trưởng thành của Đảng. Thế và lực của cách mạng nước ta ngày càng được tăng cường. Đó là kết quả của việc Đảng ta không ngừng xây dựng và chỉnh đốn cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó là thành tựu rất to lớn và đáng tự hào.

Song, hiện nay trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân (4).

Để nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, khắc phục những yếu kém, nâng lên ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với nền kinh tế tri thức, Đảng ta chủ trương tiến hành cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng sâu rộng và thường xuyên. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” chỉ rõ: Phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mọi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, xây dựng lối sống lành mạnh. Việc tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng nhằm kiện toàn về tổ chức, đoàn kết thống nhất, nâng cao sức chiến đấu của Đảng và củng cố niềm tin của nhân dân. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ là vấn đề trọng yếu bảo đảm sức mạnh đoàn kết, tính chiến đấu và uy tín của Đảng. Việc tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với dân phải được coi là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh của Đảng. Cùng với việc chăm lo xây dựng đội ngũ, phải đổi mới quan niệm và phương pháp tiến hành công tác cán bộ theo hướng thực sự dân chủ, khách quan.

Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện tốt những vấn đề có ý nghĩa cấp bách về xây dựng Đảng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng một lần nữa khẳng định chính là vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

(1). Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, t.10, tr.118.

(2). Hồ Chí Minh, SĐD, t.5, tr.261-262.

(3). Hồ Chí Minh, SĐD, t.12, tr.505.

(4). ĐCSVN (2012), Nghị quyết BCHTW Đảng lần thứ tư, Hà Nội.

Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng