Nêu gương “Học tập suốt đời”

(NTO) Cùng với cả nước hôm nay tỉnh Ninh Thuận chúng ta long trọng tổ chức buổi lễ phát động tuần lễ “Học tập suốt đời” như là một cam kết mạnh mẽ về sự hưởng ứng của tất cả chúng ta hướng đến việc học tập suốt đời nhằm cùng nhau xây dựng một Xã hội học tập nền tảng cho sự phát triển, sự thịnh vượng của mỗi một quốc gia, chìa khóa thành công của mỗi người.

Xã hội đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Một ngày có biết bao sự đổi thay, bao phát minh, sáng kiến ra đời. Kiến thức của ngày hôm qua sẽ nhanh chóng được bồi đắp, bổ sung nhiều điều mới lạ. Bằng lòng với những gì đã có trong ngày hôm qua sẽ là luôn không đủ nếu không muốn nói là sẽ rất thiếu. Chúng ta của hôm qua khác chúng ta của hôm nay và khác hơn chúng ta của ngày mai. Không học tập tức là đã thụt lùi. Học không bao giờ là đủ. Học không chỉ trong sách vở, trong nhà trường, học còn ở mọi người, ở nhân dân, ở cuộc đời, học ở chính các em học sinh của chúng ta – những công dân tương lai. Học không chỉ khi còn nhỏ, càng lớn càng phải học.

Nỗ lực học tập là chìa khóa thành công của mỗi ngưởi. Ảnh: Sơn Ngọc

Chỉ có đầu tư cho học tập chúng ta mới giàu có, vì học tập là một kho báu tiềm ẩn mà mỗi người muốn sống có chất lượng cần hướng tới, xã hội muốn văn minh, thịnh vượng cần hướng tới.

Có biết bao tấm gương học tập suốt đời để lại cho nhân loại những phát minh kỳ diệu làm thay đổi cả thế giới. Một trong những tấm gương mà hôm nay tôi muốn nói đến đó là STEVEN JOPS – NGƯỜI SÁNG LẬP RA HÃNG APLE người đã để lại cho nhân loại “trái táo cắn dở” mà hàng triệu người trên thế giới đang nâng niu. Hàng triệu người kính nể về sự cống hiến cho đời của ông.

Tại buổi lễ tốt nghiêp của sinh viên trường Đại học Standford năm 2005, Steven Jops đã kể về cuộc đời mình. Qua đó, một sự thật về cuộc đời với bao đoạn trường, cay đắng và một nỗ lực học tập suốt đời của một con người để đi đến thành công.

Ngay từ lúc còn trong bụng mẹ ông đã được sắp đặt để làm con nuôi, vì mẹ ông là một sinh viên mang thai ông khi đang ngồi trên ghế giảng đường.

Được học ở trường đại học 6 tháng ông đã phải bỏ học chỉ vì cha mẹ nuôi nghèo không kham nổi tiền học phí (trường Reed).

Không được học trọn vẹn ở trường đại học, ông đã theo học một lớp chuyên dạy về viết chữ đẹp tại trường dạy tốt nhất thế giới về cách viết chữ đẹp. Cũng nhờ vậy mà chiếc máy vi tính Macintosh đầu tiên do công ty Apple của ông tạo ra đã có nhiều font chữ đẹp. Ngày nay mỗi khi gõ trên các bàn phím, mọi người đều thầm biết ơn những ngày bỏ trường đại học để đam mê học cách viết chữ đẹp của Steve Jobs.

Bước sang tuổi 30, ông bị sa thải ngay tại chính Công ty mà ông đã sáng lập ra lúc 20 tuổi. Công ty ấy lúc đầu chỉ có 2 người làm việc tại nhà xe, sau 10 năm làm việc cật lực đã phát triển thành công ty trị giá 2 tỉ USD với 4.000 người làm việc.

Khổ đau cay đắng và thất bại đã không làm ông gục ngã trên đường đời. Sau này ông mới nhận ra chính thất bại đã là mẹ thành công. Bị sa thải nhưng ông không hề bị mất niềm tin và sự đam mê sáng tạo. Ông thầm cám ơn người đã sa thải ông bởi vì từ sau ngày bị sa thải, Steve Jobs đã bước vào một giai đoạn sáng tạo nhất trong cuộc đời và thành công rực rỡ đã đến với ông:

Sau 5 năm bị sa thải ông đã thành lập được công ty NeXT và thành lập tiếp một công ty nữa, công ty Pixar. Ông đã tạo ra bộ phim “Toy Story” một bộ phim truyện bằng đồ họa vi tính đầu tiên trên thế giới và ngày nay nó trở thành xưởng phim hoạt hình thành công nhất thế giới.

Lại một điều bất ngờ thú vị nữa đến với Steve Jobs, hay nói theo cách nói của ông là: “Thế rồi ánh bình minh lại bắt đầu từ từ chiếu rọi xuống cuộc đời tôi”. Đó chính là bước ngoặt lớn lao của cuộc đời ông: Apple đã mua lại NeXT và ông trở về Apple để bước vào thời kỳ phục hưng Apple bằng chính công nghệ của NeXT.

Có được điều kỳ diệu này cũng là do ngay từ khi còn rất trẻ ông đã luôn chúc cho chính mình bằng câu nói in trên bìa sau của cuốn sách mà ông tôn thờ: “Hãy luôn sống khát khao, hãy luôn sống dại khờ”.

“Khát khao” để biết ước mơ, khát vọng và có mục đích, có đam mê. “Dại khờ” để luôn hồn nhiên, ngơ ngác, trong trẻo trước cuộc đời từ đó mà đặt ra những câu hỏi để tìm câu trả lời cho những khám phá, sáng tạo và chinh phục.

Và tại buổi lễ tốt nghiệp của trường đại học Standford năm 2005, Steve Jobs đã chúc các bạn sinh viên bằng chính câu nói ấy, “Hãy luôn sống khát khao, hãy luôn sống dại khờ”. Điều đặc biệt ấn tượng về Steve Jobs là ngay từ lời mở đầu trong bài diễn văn của mình ông tuyên bố: “Tôi chưa hề tốt nghiệp đại học”.

Vỏn vẹn được 6 tháng ngồi trên ghế giảng đường, là cả 6 tháng với bao vật lộn, vất vả kiếm sống để kiếm tiền tự ăn học: đi bán từng cái vỏ chai Coca để kiếm tiền mua cơm, ngủ lăn lóc dưới sàn nhà trong các phòng ký túc xá của bạn bè, hàng tuần chỉ có chiều Chủ nhật mới được ăn một bữa cơm ngon bằng cách đi bộ 7 dặm đến “ăn chùa” tại đền Hare Krishna.

Vậy mà con người ấy đã làm nên điều phi thường, thật đáng ngưỡng mộ biết bao!

Đắng cay khổ cực nhưng không hề làm Steve Jobs mất niềm tin. Chính niềm tin, sự đam mê và lòng khao khát học tập, lao động sáng tạo giúp cho Steve Jobs đã thành công lại càng thành công rực rỡ hơn vào giai đoạn cuối.

Xuyên suốt cuộc đời của ông là bài học về nghị lực phi thường, về sự lao động cần cù, về ý thức học tập, về niềm tin và sự sáng tạo.

Trong đó, đặc biệt là việc học tập để đi đến thành công của một con người chưa từng tốt nghiệp Đại học. Và như vậy, hãy coi trọng học tập, học không chỉ trong trường lớp, học ở bất cứ nơi đâu miễn là mình có khát vọng, có đam mê. Chính vì sự đam mê ấy đã giúp ông đã thành công một cách ngoạn mục.

Tất cả những điều đó là nguồn động viên cổ vũ cho chúng ta và cho những ai đam mê “Học tập suốt đời”. Bởi vì “Chỉ có học thực mới có thể làm thực, chỉ có làm thực mới có thể tạo ra chất lượng thực, chỉ có chất lượng thực mới có giá trị thực, chỉ có giá trị thực mới có thể sống thực. Tất cả bắt đầu từ thực học”. Xin chúc cho những ai đang say mê học tập bằng chính câu chúc của Steve Jobs: Hãy luôn sống khát khao, hãy luôn sống dại khờ!