Đơn vị hành chính tỉnh Ninh Thuận sau 20 năm tái lập (1992 - 2012)

(NTO) Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ngày 30-4-1975 miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước ta thống nhất. Về phương diện tổ chức các đơn vị hành chính, thực hiện Nghị quyết số 16-NQ ngày 20-9-1975 của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam Về việc giải thể khu, nhập tỉnh, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 20-12-1975 của Bộ Chính trị Về việc điều chỉnh việc hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam, tháng 2-1976, Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra Nghị định Về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam, theo đó ở miền Nam có 21 đơn vị hành chính (cấp tỉnh) trực thuộc Chính phủ lâm thời CHMNVN, trong đó 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy hợp nhất thành tỉnh Thuận Hải.

Sau thời gian 12 năm sáp nhập thành tỉnh Thuận Hải (1976-1991), ngày 26-12-1991 theo Nghị quyết của Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 10, tỉnh Thuận Hải chia thành hai tỉnh là tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận. Theo nghị quyết này, tỉnh Ninh Thuận sau khi tái lập có diện tích tự nhiên là 3.530,4 km2, dân số 406.732 người, có 4 đơn vị hành chính trực thuộc là thị xã Phan Rang – Tháp Chàm và 3 huyện Ninh Sơn, Ninh Hải và Ninh Phước, với 9 phường, 43 xã; tỉnh lỵ đặt tại thị xã Phan Rang – Tháp Chàm. Tỉnh mới tái lập bắt đầu hoạt động chính thức từ ngày 1-4-1992.

Trung tâm Tp. Phan Rang- Tháp Chàm ngày nay. Ảnh: Văn Miên

Từ sau ngày tái lập đến nay, trải qua 20 năm, trên địa bàn tỉnh ta đã có những sự thay đổi về địa danh, địa giới hành chính của các đơn vị hành chính trực thuộc. Quá trình thay đổi này diễn biến theo thời gian như sau (mốc thời gian diễn ra các sự kiện lấy theo ngày ký các văn bản có liên quan của Chính phủ):

Ngày 3-6-1993, thành lập thị trấn Phước Dân - thị trấn huyện lỵ huyện Ninh Phước, trên cơ sở toàn bộ xã Phước Dân và thôn Mỹ Nghiệp của xã Phước Hải (theo Nghị định số 33/NĐ-CP của Chính phủ).

Thị trấn Phước Dân- trung tâm huyện lỵ Ninh Phước qua gần 20 năm thành lập và phát triển.

Ngày 28-5-1994, thành lập thị trấn Khánh Hải - thị trấn huyện lỵ huyện Ninh Hải từ xã Khánh Hải (theo Nghị định số 42/NĐ-CP của Chính phủ).

Một góc thị trấn Khánh Hải, trung tâm huyện lỵ Ninh Hải ngày nay. Ảnh Văn Miên

Ngày 29-8-1994, chia tách xã ở huyện Ninh Sơn, theo đó xã Trà Co chia làm hai xã là xã Phước Tân và xã Phước Tiến; xã Phước Đại chia làm hai xã là xã Phước Đại và xã Phước Chính (theo Nghị định số 104/NĐ-CP của Chính phủ).

Ngày 14-8-1998, thành lập xã Phước Minh thuộc huyện Ninh Phước từ một phần (diện tích tự nhiên và nhân khẩu) xã Phước Nam và một phần xã Phước Diêm (theo Nghị định số 60/1998/NĐ-CP của Chính phủ).

Ngày 30-8-2000, thành lập thị trấn Tân Sơn - thị trấn huyện lỵ huyện Ninh Sơn từ một phần xã Tân Sơn; phần còn lại của xã Tân Sơn được đổi tên là xã Lương Sơn (theo Nghị định số 42/2000/NĐ-CP của Chính phủ).

Thị trấn Tân Sơn- trung tâm huyện Ninh Sơn. Ảnh Văn Miên
 

Ngày 6-11-2000, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Ninh Sơn để tái lập huyện Bác Ái trên cơ sở 103.090,18 ha diện tích tự nhiên và 29.835 nhân khẩu của huyện Ninh Sơn. Huyện Bác Ái có 9 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã Phước Bình, Phước Hoà, Phước Tân, Phước Tiến, Phước Thắng, Phước Thành, Phước Đại, Phước Chính và Phước Trung. Trụ sở huyện đóng tại xã Phước Đại. Sau khi tái lập huyện Bác Ái, huyện Ninh Sơn có 77.058 ha diện tích tự nhiên và 54.903 nhân khẩu với 8 đơn vị hành chính trực thuộc là thị trấn Tân Sơn và 7 xã: Lâm Sơn, Lương Sơn, Quảng Sơn, Hoà Sơn, Ma Nới, Mỹ Sơn và Nhơn Sơn (theo Nghị định số 65/2000/NĐ-CP của Chính phủ).

Xã Phước Đại- trung tâm huyện lỵ Bác Ái. Ảnh Tư liệu

Như vậy sau khi tái lập huyện Bác Ái đến cuối năm 2000, tỉnh Ninh Thuận có 1 thị xã và 4 huyện với diện tích tự nhiên là 3.360,06 km2 và dân số trung bình là 519.918 người, phân theo huyện, thị như sau: thị xã Phan Rang – Tháp Chàm: 79,39 km2, 151.666 người; huyện Bác Ái: 1.030,90 km2, 29.835 người; huyện Ninh Sơn: 770,58 km2, 56.974 người; huyện Ninh Hải: 571,18 km2, 116.377 người và huyện Ninh Phước: 908,01 km2, 165.066 người.

Ngày 25-12-2001, trên địa bàn thị xã Phan Rang – Tháp Chàm có sự điều chỉnh địa giới giữa các phường và thành lập 3 phường mới: phường Đông Hải (từ xã Đông Hải), phường Mỹ Đông (từ một phần xã Mỹ Hải) và phường Đài Sơn (từ một phần của xã Thành Hải và một phần của phường Thanh Sơn). Đồng thời giữa các phường Phước Mỹ - Bảo An, Phủ Hà– Phước Mỹ, Kinh Dinh – Tấn Tài– Thanh Sơn và Kinh Dinh – Tấn Tài cũng có sự điều chỉnh địa giới hành chính với nhau (theo Nghị định số 99/2001/NĐ-CP của Chính phủ).

Ngày 22-11-2002, thành lập xã Phước Vinh thuộc huyện Ninh Phước, từ một phần của xã Phước Sơn (theo Nghị định số 97/2002/NĐ-CP của Chính phủ).

Ngày 7-7-2005, trên địa bàn huyện Ninh Hải thành lập thêm 3 xã mới là xã Thanh Hải (từ một phần xã Nhơn Hải), xã Bắc Sơn (từ một phần của xã Phương Hải), xã Bắc Phong (từ một phần của xã Tân Hải); đồng thời điều chỉnh địa giới hành chính giữa xã Hộ Hải và xã Tân Hải. Cùng ngày, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Ninh Hải để thành lập huyện Thuận Bắc. Huyện Thuận Bắc có 31.993 ha diện tích tự nhiên và 34.675 nhân khẩu, với 6 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã Phước Chiến, Phước Kháng, Công Hải, Lợi Hải, Bắc Phong và Bắc Sơn. Huyện Ninh Hải có 25.125,20 ha diện tích tự nhiên và 91.336 nhân khẩu với 9 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã Tân Hải, Hộ Hải, Xuân Hải, Phương Hải, Tri Hải, Nhơn Hải, Thanh Hải, Vĩnh Hải và thị trấn Khánh Hải (theo Nghị đinh số 84/2005/NĐ-CP của Chính phủ).

Trung tâm huyện lỵ Thuận Bắc qua gần 7 năm thành lập phát triển. Ảnh Văn Miên

Ngày 8-02-2007, thị xã Phan Rang – Tháp Chàm đuợc nâng lên thành Thành phố trực thuộc tỉnh (theo Nghị định số 21/2007/NĐ-CP), thành phố Phan Rang – Tháp Chàm có diện tích tự nhiên là 79,3756 km2, dân số 162.941 người, với 15 đơn vị hành chính trực thuộc là 12 phường: Đô Vinh, Bảo An, Phước Mỹ, Phủ Hà, Thanh Sơn, Mỹ Hương, Kinh Dinh, Tấn Tài, Đạo Long, Đông Hải, Mỹ Đông, Đài Sơn và 3 xã: Thành Hải, Văn Hải, Mỹ Hải; thành phố chính thức hoạt động từ ngày 16-4-2007.

Do di chuyển dân đến khu tái định cư, ngày 21-9-2007, giải thể xã Phước Thắng thuộc huyện Bác Ái và điều chỉnh địa giới hành chính các xã Phước Tiến, Phước Chính, Phước Đại và thành lập xã Phước Thắng (mới), theo Nghị định số 147/2007/NĐ-CP.

Ngày 21-1-2008, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm có sự điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường và thành lập phường mới. Cụ thể, điều chỉnh diện tích tự nhiên và nhân khẩu giữa các xã Mỹ Hải, Văn Hải, các phường Mỹ Đông, Tấn Tài, Thanh Sơn; thành lập phường Mỹ Bình (từ một phần của xã Mỹ Hải); thành lập phường Mỹ Hải (từ phần còn lại của xã Mỹ Hải); thành lập phường Văn Hải (từ xã Văn Hải). Theo đó, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm có 7.889,74 ha diện tích tự nhiên, 175.826 nhân khẩu, với 16 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 15 phường: Đô Vinh, Bảo An, Phước Mỹ, Phủ Hà, Đài Sơn, Thanh Sơn, Kinh Dinh, Mỹ Hương, Tấn Tài, Đạo Long, Đông Hải, Mỹ Đông, Mỹ Bình, Mỹ Hải, Văn Hải và 1 xã: Thành Hải (theo Nghị định số 08/2008/NĐ-CP).

Trung tâm huyện lỵ Thuận Nam đang được đầu tư xây dựng tại xã Phước Nam.  Ảnh Thuận Phương

Ngày 10-6-2009 điều chỉnh địa giới hành chính thành lập xã mới ở huyện Ninh Phước: xã Phước Ninh (từ một phần xã Phước Nam), xã Cà Ná (từ một phần xã Phước Diêm); thành lập huyện Thuận Nam (từ một phần huyện Ninh Phước). Sau khi điều chỉnh, huyện Thuận Nam có diện tích tự nhiên 56.452,62 ha, dân số 54.768 người, có 8 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 8 xã: Cà Ná, Phước Diêm, Phước Ninh, Phước Nam, Phước Minh, Phước Dinh, Nhị Hà, Phước Hà; huyện Ninh Phước có 34.103,37 ha diện tích tự nhiên, dân số 135.146 người, có 9 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị trấn Phước Dân và 8 xã: An Hải, Phước Hải, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Vinh, Phước Thái, Phước Hậu, Phước Hữu; tỉnh Ninh Thuận có diện tích tự nhiên 3.363,0824 km2, dân số 573.925 người, có 7 đơn vị hành chính trực thuộc (theo Nghị quyết số 26/NQ-CP).

Qua 20 năm tái lập (1992 – 2012) từ 4 đơn vị hành chính trực thuộc (một thị xã và 3 huyện, với 52 đơn vị hành chính cấp xã) đến nay tỉnh Ninh Thuận đã tăng lên 7 đơn vị hành chính trực thuộc (1 thành phố: Phan Rang – Tháp Chàm và 6 huyện: Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam, với 65 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 15 phường, 3 thị trấn và 47 xã).

(Chữ in nghiêng là đơn vị thành lập trong thời gian tỉnh tái lập đến nay)