• Những công trình trọng điểm của tỉnh
  • Không khí mùa xuân đã rộn rã trên khắp nẻo đường, vào những ngày cuối năm 2019 trên những công trình trọng điểm của tỉnh hàng trăm công nhân cùng các kỹ sư đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, tích cực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện các hạng mục của công trình với lòng quyết tâm, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra.
  • * Năng lượng tái tạo được tỉnh ta xác định là một trong những lĩnh vực đột phá để phát triển nhanh và bền vững. Sau khi hoàn thành Dự án Điện gió Trung Nam giai đoạn I, Công ty Cổ phần Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đã tiếp tục thực hiện giai đoạn II và đã phát điện tổ máy đầu tiên với công suất 4,0 MW/trụ, đây là loại tuabin trên đất liền có công suất lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Dự án điện gió Trung Nam giai đoạn II, gồm 16 trụ gió sẽ có công suất 64 MW, sản lượng khai thác đạt 182 triệu kWh/ năm.

    Năng lượng tái tạo của Trungnam Group tại xã Bắc Phong (Thuận Bắc).

    * Công trình Trường THCS-THPT Đặng Chí Thanh sau 1 năm thi công đã hoàn thiện và được đưa vào sử dụng nhằm phục vụ việc dạy và học. Ngôi trường có tổng mức đầu tư hơn 66 tỷ đồng, được xây dựng đầy đủ các hạng mục với nhiều trang thiết bị hiện đại theo hướng trường chuẩn quốc gia. Trường được mang tên của Anh hùng Lực lượng vũ trang Đặng Chí Thanh, là một người con của xã Cà Ná (Thuận Nam), là một trong 2 người đầu tiên của Đoàn tàu không số vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

    Trường THCS-THPT Đặng Chí Thanh tại xã Cà Ná (Thuận Nam).

    * Hồ chứa nước sông Than, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn), được khởi công từ tháng 7-2018, hồ được thiết kế với sức chứa 85 triệu m3 nước, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp Ninh Thuận làm chủ đầu tư với 13 gói thầu, có tổng mức đầu tư 855 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2020, sau 30 tháng thi công. Sau khi hồ chứa nước sông Than đi vào sử dụng, sẽ cung cấp nguồn nước tưới cho 4.500 ha đất canh tác và nước sinh hoạt cho 20.000 hộ dân sinh sống vùng hạ lưu.

    Hồ chứa nước sông Than, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn).

    * Đập hạ lưu sông Dinh được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách của Trung ương, do Chi cục Thủy lợi tỉnh làm chủ đầu tư. Với tổng mức kinh phí khoảng 700 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn do ảnh hưởng của thủy triều đối với vùng đất hai bên bờ sông Dinh. Đồng thời, đập hạ lưu sông Dinh sẽ tạo thành hồ chứa giữ nước ngọt, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và điều hòa không khí khu vực Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Đập hạ lưu sông Dinh còn kết hợp làm cầu giao thông phía thân đập, để phát triển giao thông đường bộ. Đây là sự đột phá cho sự phát triển du lịch dọc hai bên bờ sông Dinh, góp phần tạo cảnh quan bảo vệ môi trường đô thị.

    Đập hạ lưu sông Dinh.