Lợi thế phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp của tỉnh Ninh Thuận

Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định đầu tư các trung tâm giống có năng suất, chất lượng cao tại Ninh Thuận như Trung tâm nghiên cứu các giống cây chịu hạn tại Phước Nam và Dự án sản xuất giống cây trồng tại Sơn Hải, huyện Thuận Nam sẽ là thuận lớn cho việc phát triển ngành trồng trọt của tỉnh .

1. TRỒNG TRỌT:

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh 79.727 ha. Với tiềm năng đất có khả năng đưa vào sản xuất nông nghiệp còn lớn và một số công trình thủy lợi lớn sẽ được đầu tư trong giai đoạn đến năm 2015, sản xuất nông nghiệp trong những năm sắp đến sẽ tập trung phát triển các cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao như nho, thuốc lá, xây dựng vùng trồng lúa chuyên canh chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp ngắn ngày, hình thành vùng trồng cây thực phẩm nông sản sạch cung cấp cho thị trường đô thị lớn trong nước.

Cây cao su sinh trưởng tốt trên vùng đất xã Phước Tiến, huyện Bác Ái

Phát triển cây cao su ở vùng núi phía Tây của tỉnh thuộc 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái để phát triển vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với chế biến, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chống sa mạc hóa đất, nâng cao độ che phủ rừng và cải thiện đời sống nhân dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát triển cây Neem - là cây đặc thù rất thuận lợi với điều kiện khí hậu Ninh Thuận phục vụ cho công nghiệp chế biến phân bón và thuốc trừ sâu sinh học.

Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định đầu tư các trung tâm giống có năng suất, chất lượng cao tại Ninh Thuận như Trung tâm nghiên cứu các giống cây chịu hạn tại Phước Nam và Dự án sản xuất giống cây trồng tại Sơn Hải huyện Thuận Nam sẽ là thuận lớn cho việc phát triển ngành trồng trọt của tỉnh .

2. CHĂN NUÔI:

Với hơn 2/3 diện tích tự nhiên là đồi núi, diện tích đất trống, đồi trọc chưa sử dụng vẫn còn, là thuận lợi cơ bản để Ninh Thuận phát triển mạnh ngành chăn nuôi vốn là thế mạnh của tỉnh với các loại vật nuôi đặc thù như bò, dê, cừu.

Trong những năm tới Ninh Thuận tập trung phát triển toàn diện để đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính vào năm 2015 theo hướng bền vững, bảo đảm phát triển qui mô tổng đàn hợp lý phù hợp với quy hoạch trồng trọt, thức ăn cho gia súc, công tác thú y, đi đôi với quy hoạch khu giết mổ tập trung ở từng huyện, thành phố gắn với phát triển công nghiệp chế biến thịt gia súc, quy hoạch chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi đặc thù mà tỉnh có lợi thế và chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp như cây neem, thuốc lá, nho... và thịt gia súc, gia cầm đang là lĩnh vực tỉnh khuyến khích và kêu gọi đầu tư.

3. LÂM NGHIỆP:

Diện tích đất có rừng gần 187 nghìn ha, độ che phủ của rừng đạt hơn 47,6%, tổng trữ lượng 11 triệu m3 gỗ và 2,5 triệu cây tre nứa, trong đó rừng sản xuất 58,5 ngàn ha, trữ lượng 4,5 triệu m3, rừng phòng hộ đầu nguồn 98,9 ngàn ha trữ lượng 5,5 triệu m3. Rừng của Ninh Thuận là một thế mạnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và cải tạo môi trường sinh thái.

Nguồn Văn phòng Phát triển Kinh tế Ninh Thuận