Hiệu quả mô hình Tổ nghề nghiệp trong chăn nuôi và trồng trọt ở huyện Bác Ái

(NTO) Với mục tiêu hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện Bác Ái đã tập trung xây dựng mô hình chi, tổ, hội nghề nghiệp trong chăn nuôi và trồng trọt, qua thời gian hoạt động đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng thu nhập cho hội viên.

Nếu như trước đây, hội viên nông dân thôn Rã Giữa và thôn Đồng Dầy, xã Phước Trung chủ yếu phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ, theo hộ gia đình, nên chưa tạo được tính bền vững, thu nhập không ổn định. Để hướng đến sản xuất bền vững, đạt năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho hội viên, từ tháng 9-2017, Hội Nông dân xã Phước Trung đã triển khai thành lập mô hình tổ nghề nghiệp chăn nuôi dê sinh sản, với 12 thành viên ở thôn Rã Giữa và Đồng Dầy. Sau khi đi vào hoạt động, hội viên được định hướng, tìm hiểu nhu cầu thị trường để tập trung phát triển chăn nuôi. Anh Đạo Văn Nhớ, Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp chăn nuôi dê sinh sản của thôn cho biết: Các hội viên tham gia tổ nghề nghiệp đều cùng sở thích, nên trong quá trình chăn nuôi đã phát huy được tính cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm, cùng tìm cách tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ dịch bệnh nên hiệu quả mang lại khá cao. Nhờ đó, từ 84 con dê ban đầu của tổ đến nay đã tăng lên 159 con.

Mô hình Tổ nghề nghiệp chăn nuôi dê sinh sản ở xã Phước Trung
đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các hội viên.

Hay như Tổ nghề nghiệp trồng mỳ cao sản ở thôn Suối Rua, xã Phước Tiến sau hơn 1 năm đi vào hoạt động bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Katơr Hoài, Tổ trưởng Tổ trồng mỳ cao sản cho biết: Để hoạt động hiệu quả, tổ đã tập trung xây dựng phương thức hoạt động phù hợp với tình hình sản xuất của hội viên. Trước đây, các hội viên canh tác mỳ nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết khiến cho nông dân lâm vào cảnh “được mùa, mất giá”, chịu nhiều rủi ro nên hiệu quả kinh tế thấp. Nhưng từ khi tham gia vào tổ nghề nghiệp đã giúp các hội viên thay đổi được cách thức sản xuất mỳ, được trao đổi kinh nghiệm, có cơ hội tiếp cận được khoa học - kỹ thuật, đảm bảo quy trình sản xuất tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho hội viên. Nhờ đó, qua vụ thu hoạch cây mỳ cho năng suất đạt trên 25 tấn, sau khi trừ chi phí mỗi hội viên thu lãi từ 15-25 triệu đồng.

Có thể nói, mô hình chi, tổ nghề nghiệp được triển khai trên địa bàn huyện Bác Ái trong thời gian qua, không chỉ giúp hội viên thay đổi được hình thức sản xuất mà còn tập hợp và hướng hội viên cùng làm một ngành nghề vào chung một nhóm để có cơ hội giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, góp phần phát triển kinh tế hộ. Mặt khác, mô hình tổ nghề nghiệp còn mở ra hướng xây dựng các mô hình tập thể, hình thức tổ chức sản xuất tập trung, hiệu quả, góp phần tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, thu hút hội viên nông dân tham gia vào các tổ nghề nghiệp, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Ông Trương Thọ Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bác Ái cho biết: Qua 2 năm triển khai, đến nay toàn huyện đã thành lập được 7 chi, tổ nghề nghiệp chăn nuôi và trồng trọt bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho các hội viên. Để tiếp tục đổi mới, xây dựng tổ chức hội ở cơ sở vững mạnh theo hướng thiết thực, hiệu quả, làm nòng cốt cho phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình chi, tổ nghề nghiệp ra toàn huyện. Đồng thời phối hợp với các ngành tổ chức các đợt tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý cho các tổ, cách thức chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho hội viên; tạo mọi điều kiện cho các chi, tổ được vay vốn để mở rộng các mô hình sản xuất trong trồng trọt và chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng nhóm liên kết theo hướng chuỗi giá trị, tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thiết thực trong việc phát triển và nâng cao kinh tế tập thể, tăng thu nhập cho nông dân.