Đẩy mạnh các biện pháp điều tiết nước hợp lý để ổn định sản xuất trong mùa khô hạn

(NTO) Hiện nay, mặc dù lượng nước chứa tại các hồ không bị thiếu hụt, nhưng trước diễn biến tình hình thời tiết rất khó lường, không theo quy luật, do đó việc điều tiết nước các hồ chứa hợp lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhằm ổn định sản xuất là hết sức cần thiết.

Theo kế hoạch sản xuất vụ đông - xuân 2018-2019, toàn tỉnh có tổng diện tích trên 26.456 ha, trong đó cây lúa 14.902 ha và cây màu 11.463 ha. Tuy nhiên, diện tích gieo cấy cây lúa tại các địa phương vượt gần 2.000 ha và diện tích cây màu chỉ đạt xấp xỉ 9.730 ha. Như vậy, nhu cầu cấp nước tưới sẽ tăng so với kế hoạch điều tiết, bởi diện tích trồng lúa cao, kéo theo nhu cầu sử dụng nước nhiều hơn so với các loại cây trồng cạn. Trong khi đó, ngành Nông nghiệp ưu tiên điều tiết nước theo thứ tự cho cây trồng dài ngày, cây màu, cuối cùng mới đến cây lúa. Chưa kể hiện nay, tình hình nắng nóng kéo dài, lượng nước đến hồ và các tổn thất do thấm và bốc hơi dễ dẫn đến nguy cơ thiếu nước cục bộ.

Nông dân Ninh Phước chăm sóc lúa vụ đông - xuân.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, hồ chứa Phước Trung, Phước Nhơn khả năng sẽ không đảm bảo cung cấp nước, do hiện nay diện tích gieo ngoài kế hoạch tăng chủ yếu là diện tích cây lúa. Theo kế hoạch gieo cấy vụ đông - xuân năm 2018-2019 được UBND tỉnh phê duyệt, hồ Phước Trung chỉ triển khai sản xuất 722,78 ha, trong đó chủ yếu là cây màu; hồ Phước Nhơn sản xuất 282,20 ha, trong đó gần 15ha lúa và 262,24 ha cây màu. Tuy nhiên cuối năm 2019, tận dụng nguồn nước tự nhiên, người dân địa phương đã tranh thủ xuống giống vụ đông- xuân sớm. Diện tích gieo cấy tại khu vực tưới hồ Phước Trung hiện đã đạt 858,7 ha, trong đó 2/3 diện tích gieo cấy lúa và 292,5 ha cây màu. Tại khu vực tưới hồ Phước Nhơn diện tích gieo lúa 50,14 ha và 12,57 ha cây màu. Như vậy, áp lực tưới đối với các diện tích đã xuống giống tại 2 hồ là rất lớn. Do đó, phương án cung cấp nước sản xuất tại 2 hồ này phải hết sức tiết kiệm và vận động người dân sử dụng nguồn nước dự trữ từ các ao hồ trong vùng sản xuất để tưới bổ sung. Đối với diện tích đông - xuân 2018-2019 thu hoạch sớm, tuyệt đối phải dừng sản xuất trong vụ hè - thu để ưu tiên nguồn nước cấp cho các trà lúa lớn ngày và dự trữ nước ưu tiên cấp cho nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi và cây màu thuộc khu tưới trong kế hoạch ở vùng ngay sau đập và kênh chính.

Tính đến thời điểm hiện nay, tổng dung tích 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 159,45 triệu m3, đạt 82% dung tích thiết kế, cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 16,4%. Lượng nước tại hồ Đơn Dương đạt dung tích 143,5 triệu m³, đạt 87% dung tích thiết kế, cao hơn so với cùng kỳ các năm 2018. Tuy nhiên, dự kiến đến ngày 30-4-2019, thời điểm kết thúc vụ đông - xuân 2018-2019, tổng lượng nước của 21 hồ chứa chỉ còn lại 120,36 triệu m3, đạt 62% tổng dung tích thiết kế. Do đó UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn và thường xuyên kiểm tra khu tưới để kịp thời điều phối nguồn nước cho phù hợp với thực tế, đảm bảo cấp đủ nước theo thứ tự ưu tiên: nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước sản xuất nông nghiệp.

Hồ Sông Sắt (Bác Ái) tích nước bảo đảm cung cấp nước tưới cho người dân. Ảnh: Văn Nỷ

Ông Phạm Ngọt, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi cho biết: Để sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm hiệu quả, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình hạn hán, không chủ quan lơ là, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra; chủ động có kế hoạch lấy nước nhằm sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn nước. Bên cạnh đó, các địa phương cần duy trì, củng cố tổ dùng nước (PIM) để chủ động điều tiết tưới luân phiên, tiết kiệm tối đa nguồn nước. Dứt khoát không để xảy ra tình trạng lãng phí nước để đảm bảo nguồn nước cấp cho vụ hè - thu theo kế hoạch; kiên quyết không điều tiết nước đối với diện tích gieo trồng ngoài kế hoạch và các vùng không chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo kế hoạch. Đối với các hồ chứa nhỏ, diện tích canh tác cao hơn năng lực tưới, có diện tích gieo ngoài kế hoạch, ngành Nông nghiệp phối hợp cùng địa phương xây dựng kế hoạch điều tiết nước hợp lý, kết hợp tận dụng nguồn nước dự trữ tại các ao, hồ nhỏ của người dân để tưới bổ sung; đối với những vùng sản xuất thuộc khu vực tưới của các hồ nhỏ, cần chủ động dừng sản xuất vụ hè - thu khi không đảm bảo đủ nguồn nước tưới.

Để đảm bảo ổn định sản xuất, điều tiết sử dụng nguồn nước hợp lý, các địa phương chủ động thực hiện việc sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả gắn với đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn đối với các khu vực tưới của hồ chứa có dung tích nhỏ, khu vực gò đồi. Phấn đấu trong năm 2019 chuyển đổi từ 1.500 ha - 2.000 ha sang cây trồng cạn, bền vững theo Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 3-12-2018 của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. Tuyệt đối không để nông dân gieo trồng ngoài kế hoạch; đẩy mạnh nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm, hiệu quả; tổ chức nạo vét, khai thác và quản lý tốt các các kênh nội đồng đã được phân cấp cho địa phương quản lý, tạo thuận lợi cho việc lấy nước phục vụ sản xuất cho nông dân.