Mở hướng mới cho cây điều phát triển

(NTO) Cây điều được trồng trên đất đồi núi, đất bạc màu, trồng rừng phòng hộ với mục đích phủ xanh đồi trọc và chống xói mòn, tăng thu nhập cho người dân. Gần đây, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào cây điều đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, đang mở ra hướng phát triển mới cho cây điều trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, diện tích cây điều toàn tỉnh là 3.805,9 ha, tập trung nhiều nhất ở các huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc và Bác Ái, với các giống điều được trồng bằng hạt và ghép cao sản như PN1, AB05-08; trong đó diện tích cho sản phẩm có gần 2.300 ha, năng suất bình quân 2,8 tạ/ha, sản lượng thu hoạch đạt 694,3 tấn. Thời gian qua, tại tỉnh ta đã có Công ty Cổ phần Xuất khẩu nông sản Ninh Thuận tham gia thu mua và chế biến sản phẩm hạt điều nhưng với số lượng rất ít; hầu như sản phẩm hạt điều được tiêu thụ qua mạng lưới thương lái tại các địa phương. 

Qua trao đổi với người dân trồng điều, chính sách khuyến khích sản phẩm thâm canh cây điều của tỉnh chưa thật sự thu hút nông dân, cũng như người dân hiểu biết về kỹ thuật canh tác cây điều. Chưa kể đến sự gắn kết không chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm hạt điều; các doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm hạt điều không tổ chức đầu tư cho vùng nguyên liệu và ký kết hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm ổn định với người trồng mà thu mua thông qua thương lái tại các địa phương nên cây điều, giá trị kinh tế từ trồng điều chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, việc chặt bỏ vườn điều giống cũ, kém chất lượng để trồng mới những giống điều ghép có năng suất cao đang là một trở ngại lớn nhất, vì không thể hiện được trên diện rộng...

Nông dân xã Phước Bình (Bác Ái) thu hoạch vụ điều năm 2018.

Với quyết tâm, nỗ lực kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực cây điều, trở thành cây trồng mũi nhọn của ngành nông nghiệp, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến tỉnh tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực điều. Điển hình như: Vườn ươm chuyển giao con giống và các công trình phụ trợ Truecoop của Hợp tác xã (HTX) Điều hữu cơ Truecoop, Nhà máy Chế biến hạt điều Long Sơn-BLB tại Cụm công nghiệp Tháp Chàm (Công ty TNHH Long Sơn BLB) với công suất 4.900 tấn hạt điều thô/năm đưa vào sử dụng;... đã mở ra hướng phát triển mới cho cây điều ở tỉnh ta. Ông Nguyễn Thái Dương, Giám đốc HTX Điều hữu cơ Truecoop, cho biết: Hiện nay, HTX đang liên kết hướng dẫn nông dân sản xuất quy trình điều hữu cơ và đã khoanh vùng, ký kết hợp đồng bao tiêu thu mua vùng điều của nông dân xã Phước Bình (Bác Ái), với diện tích 604 ha/187 hộ và đang xúc tiến làm thủ tục chứng nhận vùng điều tại Vườn Quốc gia Núi Chúa thuộc xã Công Hải (Thuận Bắc) để liên kết sản xuất và thu mua với diện tích dự kiến 550 ha/315 hộ”.

Còn ông Pi Năng Thiên, thôn Hành Rạc 1, xã Phước Bình (một trong những hộ liên kết với HTX Điều hữu cơ Truecoop), vui vẻ: Diện tích 2 ha điều được gia đình trồng từ năm 1992, theo kiểu truyền thống, nên cây trồng cho năng suất rất thấp và thu nhập rất bấp bênh. Điều đáng vui, vụ thu hoạch năm nay gia đình được kỹ sư của HTX Điều hữu cơ Truecoop “cầm tay chỉ việc”, tận tình hướng dẫn chăm sóc, bón phân cho cây theo quy trình hữu cơ, nên chưa hết mùa vụ mà sản lượng vườn điều thu hoạch đạt trên 5 tạ, với giá bán ổn định 39.500/kg.

Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Định hướng phát triển đến năm 2020, diện tích cây điều toàn tỉnh đạt 5.900 ha. Để cụ thể hoá, hiện nay ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương đang tuyên truyền, vận động nông dân chấm dứt việc trồng điều bằng hạt và thay vào đó, đưa các giống điều mới có năng suất và chất lượng cao. Xây dựng các mô hình trình diễn cải tạo và thâm canh vườn điều tại các địa phương có diện tích trồng điều tiềm năng để nông dân tiếp cận dễ dàng các kỹ thuật chăm sóc cơ bản như tạo tán tỉa cành, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Quan trọng hơn là kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực điều, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa người dân trồng điều với các doanh nghiệp...có như vậy, cây điều mới từng bước phát triển bền vững, trở thành một trong những cây trồng chủ lực để góp phần tăng thu nhập kinh tế ổn định, bền vững cho người dân.