Ninh Thuận - Tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư

Ninh Thuận là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm kinh tế Đông Nam bộ với các tỉnh Tây nguyên và Nam Trung bộ. Ninh Thuận được xem là vùng đất có nhiều tiềm năng và lợi thế có thể khai thác, thu hút đầu tư.

Về kinh tế biển: Nằm ở ngã ba vùng trọng điểm du lịch quốc gia (Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang) nên Ninh Thuận được xác định là một trong những trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước. Ninh Thuận là vùng đất nổi tiếng về các công trình kiến trúc cổ Chămpa còn nguyên vẹn, với nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Với chiều dài bờ biển 105 km, có nhiều bãi tắm đẹp, đã nổi tiếng từ lâu như bãi tắm Ninh chữ, Cà Ná; một số bãi biển đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và khách du lịch như Vĩnh Hy, Bình Tiên, Mũi Dinh và Nam Cương gắn với các vùng sinh thái đặc thù vùng khô hạn, những điều kiện đó tạo thuận lợi cho Ninh Thuận phát triển nhiều loại hình du lịch. Ninh Thuận chủ trương phát triển du lịch toàn diện, phấn đấu đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Ngư trường Ninh Thuận được xác định là một trong 4 ngư trường lớn của cả nước với nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao và khai thác được quanh năm, đồng thời còn là nơi sản xuất các loại giống thủy sản có chất lượng cao, nhất là tôm giống và ốc hương. Hạ tầng phục vụ khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, trong đó cảng cá Cà Ná đang đầu tư trở thành Trung tâm nghề cá của tỉnh và khu vực, cảng Ninh Chữ được xây dựng thành nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền khu vực miền Trung.

Ngoài ra, Ninh Thuận còn được biết đến là địa bàn lý tưởng để sản xuất muối công nghiệp, trong vài năm tới diện tích sản xuất muối của tỉnh sẽ đạt trên 4.000 ha, sản lượng trên 500 ngàn tấn muối công nghiệp/năm. Với sản lượng trên đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp hóa chất sau muối và chế biến muối tinh là lĩnh vực tỉnh đang khuyến khích đầu tư.

Về công nghiệp năng lượng: Ninh Thuận còn có lợi thế về phát triển điện gió và năng lượng mặt trời. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5m/s, đây là điều kiện lý tưởng để phát triển điện gió. Ngoài ra, với số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất cả nước (7,7 giờ mỗi ngày), cường độ lớn, Ninh Thuận cũng là địa bàn lý tưởng phát triển năng lượng mặt trời, đây là lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên kêu gọi đầu tư.

Về tài nguyên khoáng sản: Ninh Thuận có đá Granitte là loại khoáng sản có trữ lượng lớn, độ nguyên khối và lộ thiên dễ khai thác, thuận lợi về vận chuyển, đạt chuẩn về độ mịn, độ bóng và độ cứng, có nhiều màu sắc đẹp, có thể chế biến thành các sản phẩm phục vụ cho xây dựng trong nước và xuất khẩu. Đây là một lợi thế của tỉnh trong khi nhu cầu thị trường đang rất lớn, tỉnh chủ trương thu hút vốn đầu tư vào khai thác và chế biến đá granitte, xây dựng sản phẩm đá granitte trở thành sản phẩm chủ lực có quy mô lớn.

Về sản xuất công nghiệp: Đã hình thành ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, may mặc và sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp. Đã hình thành 02 khu công nghiệp Du Long và Phước Nam với quy mô 400ha/khu, các cụm công nghiệp Tháp Chàm, Thành Hải sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến Ninh Thuận đầu tư.

Về nông nghiệp: Ninh Thuận được biết đến như một vùng khô hạn nhất nước, nhưng đó lại là một lợi thế để phát triển một số cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, cho các sản phẩm đặc thù như: Nho, bông, mía, thuốc lá, điều, neem chịu hạn và dê, cừu. Việc đầu tư chế biến sản phẩm từ nho, thịt gia súc gia cầm là lĩnh vực tỉnh đang kêu gọi đầu tư.

Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đã thuê Tập đoàn Monitor của Mỹ - là Tập đoàn chuyên tư vấn về chiến lược phát triển hàng đầu thế giới, lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời thuê Tập đoàn Arup của Anh lập Đồ án quy hoạch phát triển thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và quy hoạch dãi ven biển của tỉnh.

Định hướng phát triển của tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn tới là ưu tiên thu hút đầu tư phát triển 06 ngành trụ cột chính để tạo bức phá cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; trong đó có 4 ngành kinh tế nền tảng cho sự phát triển gồm năng lượng, nông nghiệp và thủy sản, sản xuất công nghiệp, du lịch và 02 ngành hỗ trợ là xây dựng và bất động sản, giáo dục và đào tạo, dạy nghề. Cụ thể:

- Đối với lĩnh vực du lịch: Ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án xây dựng các villa, khu nghĩ dưỡng cao cấp ven biển; khách sạn tiêu chuẩn quốc tế từ 5 sao trở lên; các loại hình du lịch câu lạc bộ du thuyền, thể thao trên biển; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.

- Lĩnh vực năng lượng: Ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án phong điện, điện mặt trời, chế tạo thiết bị Turbin gió và các công nghiệp, dịch vụ phụ trợ ngành năng lượng hạt nhân, năng lượng gió...

- Nông nghiệp, thuỷ sản: Ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị gia tăng cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để có sức cạnh tranh cao, tạo sản phẩm hàng hoá đặc trưng cho tỉnh như cây nho, cây Neem….

- Về sản xuất công nghiệp: Ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình công nghiệp sạch, không ảnh hưởng đến môi trường, sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh sử dụng năng lượng sạch, tạo thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh.

- Lĩnh vực giáo dục đào tạo: Với mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho khu vực, Ninh Thuận đang kêu gọi các dự án đầu tư thành lập lập trường Đại học, trường đào tạo nghề tiêu chuẩn quốc tế, có tính cạnh tranh cao nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển của tỉnh và các tỉnh trong khu vực.

- Về xây dựng và bất động sản: Ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai nhất là ở vùng ven biển để hình thành các khu đô thị, khu dân cư mới, khu, cụm công nghiệp, cảng biển... Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, thu hút các nguồn vốn đầu tư các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường... nhằm tạo môi trường sống tốt, thu hút nguồn lao động có chất lượng cao.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Ninh Thuận đã và đang sẵn sàng hợp tác, tạo mọi điều kiện thuận lợi, dành nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư và hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả cao tại Ninh Thuận.

(Theo báo Thế giới & Việt Nam)




  

 
  • Lưu thanh Hùng
    Đúng thật,đây là những lợi thế lớn của tỉnh ta thì tôi rất mong đảng và nhà nước có những chính sách ưu đãi hơn nữa (kêu gọi các nguồn vốn ODA,FDI,..)ngoài việc thuê tập toàn tư vấn monitor của Mỹ...
    bongxuongrong@gmail.com