Hồi sinh những làng nghề truyền thống

(NTO) Có thể nói, nếu như trong “thiên hạ” có bách nghệ thì Ninh Thuận đã góp mặt trên dưới chục nghề, trong đó có không ít nghề truyền thống “cha truyền, con nối”.

Tuy nhiên, theo đà phát triển của kinh tế và nhu cầu thụ hưởng của nhiều người trong xã hội ở mỗi thời có khác nhau, ngày càng theo hướng hiện đại…, đã làm cho nhiều nghề thủ công một thời làm không kịp bán thì nay trở nên mai một dần bởi “kén” thị trường tiêu thụ. Có nghề chỉ sản xuất để gọi là giữ nghề và phục vụ cho khách du lịch, cũng có nghề mà công cụ sản xuất nay đã trở thành “đồ cổ” mất rồi!...

Du khách tham quan Làng nghề Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp.

Để hồi sinh những nghề truyền thống trong tỉnh, ngoài nỗ lực của người dân, yếu tố không kém phần quan trọng đó là sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước từ khâu phục hồi đến tạo thị trường “đầu ra” cho sản phẩm. Với tinh thần không để mai một những nghề vốn có bề dày truyền thống, đặc biệt các nghề sản xuất gốm, dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm hình thành từ lâu đời và tồn tại trong cộng đồng làng, gắn với phát triển du lịch. Chỉ tính giai đoạn 2008-2010, từ nguồn vốn hỗ trợ chương trình mục tiêu của Chính phủ, tỉnh ta đã đầu tư hạ tầng 3 làng nghề Chăm trên địa bàn huyện Ninh Phước như đường giao thông, cổng làng nghề, điện, nước, nhà trưng bày với tổng mức đầu tư trên 25,5 tỷ đồng. Qua đó, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân làng nghề, nhất là du khách tham quan làng nghề cũng như hoạt động kinh doanh sản phẩm làng nghề. Đáng nói là môi trường làng nghề được cải thiện đáng kể so với trước đây. Ngoài ra, người dân làng nghề còn được hỗ trợ về đào tạo nâng cao tay nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật lò nung gốm, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ triển lãm trong nước, xây dựng website làng nghề, tổ chức hội thảo liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu... Bằng nhiều nỗ lực, đến nay, toàn tỉnh đã có 3 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, ngoài ra còn có 7 nghề được hỗ trợ để phát triển.

Nghệ nhân Đàng Thị Phan đóng gói hàng để xuất khẩu sang Úc.

Về thăm Làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước) vào một ngày đầu tháng Tư lịch sử-đây cũng là làng nghề sản xuất gốm thủ công của người Chăm được đánh giá là cổ nhất Đông Nam Á bởi cách tạo ra những "tác phẩm" gốm “độc bản” do thủ công hoàn toàn mà không có sự “can thiệp” của máy móc ở bất kỳ công đoạn nào. Có lẽ cũng vì vậy mà Nghệ nhân Đàng Thị Phan (nay đã ở tuổi 69) đã làm rạng rỡ làng nghề, nhất là khi được mời sang xứ sở Hoa anh đào “biểu diễn” nghề làm gốm Chăm. Vừa tỉ mỉ đóng gói một số sản phẩm gốm để xuất khẩu sang Úc theo đơn đặt hàng, bà Phan vừa kể: Do biết “tài nghệ” của bà nên tháng 3-2005, Bộ Văn hoá-Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) đã đề cử bà đưa sản phẩm gốm mỹ nghệ sang dự triển lãm và biểu diễn chế tác gốm Chăm tại triển lãm Expo tổ chức tại thành phố Aichi (Nhật Bản). Hành trang của bà trong chuyến đi này, ngoài 3 sản phẩm gốm đã hoàn thiện, bà còn mang theo 50kg đất Bàu Trúc. Bà được lưu lại Nhật Bản 15 ngày để nặn số đất trên thành những sản phẩm gốm Chăm độc đáo trên nước bạn. Bà Phan không giấu vẻ tự hào là nghệ nhân đầu tiên của Ninh Thuận “mang chuông đi đánh xứ người” vốn cũng có bề dày truyền thống nghề gốm… Trước đó, vào tháng 5-2003, bà Đàng Thị Phan được Viện Bảo tàng Dân tộc học mời ra Hà Nội tham gia phục chế 58 mẫu gốm cổ Chămpa đã bị thất truyền hơn 250 năm. Bà đã từng đoạt giải Nhất chế tác gốm truyền thống tại Ngày hội Văn hóa-Thể thao dân tộc Chăm toàn quốc, tổ chức tại Ninh Thuận, vào tháng 11-2004... “Ngày xưa, cả làng chỉ sản xuất ra những sản phẩm chủ yếu là dụng cụ phục vụ sinh hoạt và phải đi bán khắp nơi như Long Khánh, Biên Hòa, Nha Trang..., nay nhờ đầu tư của tỉnh không những làng nghề được “hồi sinh” mà còn chuyển hướng sang làm gốm mỹ nghệ, vừa lưu giữ nét truyền thống, vừa sáng tạo nhiều mẫu mã để phục vụ cho nhu cầu du khách, vừa xuất khẩu”-bà Đàng Thị Phan cho biết thêm. Nghệ nhân Đàng Xem-một trong những trụ cột của làng nghề, vừa tỉ mẫn chế tác tác phẩm của mình, vừa trao đổi với chúng tôi: Làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc hiện có 1 HTX, 4 công ty, 4 tổ hợp tác và 150 hộ làm nghề, tăng 25% so với năm 2010, với hơn 400 lao động. Tổng doanh thu làng nghề hàng năm trên 10 tỷ đồng. Thu nhập bình quân từ 1,6-1,8 triệu đồng/người/tháng.

Nghệ nhân Đàng Xem tỉ mỉ chế tác tác phẩm.

Một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng khác của đồng bào Chăm Ninh Phước là Làng nghề Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Được biết, làng nghề hiện có 1 HTX, 10 tổ hợp tác, 12 cơ sở sản xuất, với trên 500 hộ/800 lao động tham gia hoạt động nghề, tăng 19% so với năm 2010 và năng lực sản xuất tập trung vào HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất. Tổng doanh thu hằng năm trên 15 tỷ đồng; thu nhập bình quân 1,4-1,6 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Chung Mỹ (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước) cũng không ngừng phát triển. Toàn làng nghề hiện có 9 cơ sở sản xuất và gần 210 hộ tham gia, tăng gấp 4 lần so với năm 2010, với hơn 230 lao động. Tổng doanh thu hàng năm trên 5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân khoảng 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Có dịp gặp và trao đổi với một số nghệ nhân ở các làng nghề này, chúng tôi hiểu thêm về tài hoa, sáng tạo của những người làm nghề, tạo nên nét độc đáo riêng có, không thể trộn lẫn. Đó là, cùng với khung dệt truyền thống, các nghệ nhân đã “phục chế” những hoa văn sống động cổ xưa trên nền vải mộc mạc, cộng với sáng tạo… để làm nên những sản phẩm “bắt mắt” du khách, đáp ứng nhu cầu thị trường và đáng nói là vẫn giữ được "hồn vía" của bản sắc dân tộc. Tuy thu nhập chưa phải là cao nhưng với lòng đam mê lưu giữ sản phẩm văn hóa truyền thống, các nghệ nhân đã “truyền lửa” cho con cháu yêu nghề làm nên những sản phẩm “để đời” nếu nhìn ở góc độ văn hóa, nghệ thuật mà không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời sống bình thường.

Du khách Nguyễn Văn Dương (Đống Đa, Hà Nội), lần đầu tiên đến thăm các làng nghề nói trên đã tỏ ra rất ngạc nhiên trước cách làm thủ công hoàn toàn từ nặn gốm đến dệt thổ cẩm bằng những đôi tay tài hoa của các nghệ nhân. Vừa liên tục chụp ảnh ở nhiều góc độ, vừa tâm đắc cho rằng, việc lưu giữ nghề cổ truyền đã là quý nhưng sẽ càng quý hơn nếu những sản phẩm từ các làng nghề được quảng bá rộng rãi không chỉ trong nước mà thôi. Đây sẽ là những “mỏ vàng” nếu biết khai thác!. Không phải lần đầu nghe những nhận xét có phần chủ quan nhưng rất chân tình đó, nhưng điều “lắng lại” vẫn là để các làng nghề thực sự phát triển vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó rất cần sự chung tay của các ngành hữu quan bên cạnh “nội lực” của chính người trong nghề…