(NTO) Mọi người vẫn thường nói là Phan Rang có gì đâu mà tới. Mà nếu tới thì đôi khi vào làng gốm Bàu Trúc hay thổ cẩm Mỹ Nghiệp cùng lắm chỉ ngó qua ngó lại rồi về. Ngay cả bãi biển Ninh Chử cũng mất đi cái không gian sống, không gian ngắm nhìn.
Thực ra, nếu muốn thoát khỏi cái ồn ã của các trung tâm du lịch, cần những giây phút nghỉ ngơi, thay đổi cái không gian sống của tiện nghi và trở thành một người thích lang thang, tại sao không đến Phan Rang?
Gốm Bàu Trúc. Ảnh: CTV
Thường thì mọi người hay chọn lựa đến Làng gốm Bàu Trúc và Mỹ Nghiệp, đây là hai điểm tham quan cho du khách khi đến Phan Rang. Bàu Trúc cách Phan Rang 10km về phía Nam và đối diện là làng Mỹ Nghiệp. Tuy nhiên, sự tưởng tượng về một làng nghề huyên náo ở Bàu Trúc khiến cho khách vỡ mộng, trái lại chạm gặp ở Bàu Trúc và Mỹ Nghiệp cuộc sống của làng quê, cách sống chân chất đến lạ của người địa phương ở đây. Vào khu trưng bày gốm của các gian hàng Đàng Xem, sẽ bắt gặp các nghệ nhân nặn gốm. Họ là những người làm công và chính họ đã tạo cho du khách sự thích thú khi thăm làng gốm Bàu Trúc. Tiếp đến là làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp, đa phần nơi này nhiều hộ dân còn dệt thổ cẩm trong nhà. Chính vì chen vào những con đường để vào thế giới thổ cẩm ấy mà cảm giác lang thang đến Phan Rang trở nên thú vị. Cũng là đến một làng quê, nhưng Mỹ Nghiệp mang một nét hoang sơ khá bất ngờ. Dăm cây xanh mọc hững hờ, những hàng rào bằng cây dựng lên, có con đường mang màu trắng của đất, hút sâu về phía trong nắng chang chang. Bạn có thể ghé vào bất cứ một ngôi nhà nào, chuyện trò với người phụ nữ đang dùng tay đẩy khung dệt nhịp nhàng. Giá thổ cẩm ở đây cũng rẻ bất ngờ đến độ dù không muốn mua, bạn vẫn phải mua vài thứ gì đó để làm kỷ niệm cho chuyến lang thang.
Phan Rang có một đặc sản hào phóng tặng cho du khách là nắng. Gần như thành phố ở đây luôn đón nhận bốn mùa nắng, cho nên ở đây có một loại cây che bóng mát chịu nắng cực giỏi là cây Sầu đông hay còn gọi là cây Xoan. Nếu bạn gặp các loại cây xanh ở nhiều nơi thì Phan Rang cho bạn chiêm nghiệm một loại cây mới là cây Xoan. Con đường Yên Ninh ôm vòng cung biển hẹn đang khai thác du lịch lại trồng loại cây khác: Bò cạp nước hay còn gọi là cây Hoàng Yến. Vào mùa hoa nở, cả con đường rực rỡ màu hoa vàng.
Biển Ninh Chử chạy dọc theo đường Yên Ninh, cái khác là muốn xuống biển phải theo những con đường đã mở ra, vì đa phần đất ở nơi này đã dành cho các khách sạn và resort, tầm nhìn của khách bị giới hạn. So với biển Nha Trang thì biển Phan Rang không so nỗi, nhưng cái thú “ bụi bờ” ở đây. Bạn có thể chen vào các quán hải sản giăng bạt che nắng, ngồi trên những ghế nhựa, vừa ăn vừa ngắm biển. Bên cạnh đó, nhiều khu vực bán những món ăn chơi, rẻ tiền như bánh tráng trộn, bánh tiêu, bánh cam hay gỏi, bánh mì, bánh bao, bắp nướng…
Đặc điểm ở Phan Rang là giá cả rẻ so với bất cứ thành phố nào, khách không hề bị chặt chém. Tỷ dụ như các khách sạn, nhà nghỉ luôn có giá bất ngờ từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn. Các quán cơm bình dân một khay có canh riêng, có khăn lạnh, có trà đá giá 20.000 đồng, tô phở 30.000 đồng và cà phê ở quán đẹp, nhân viên phục vụ xinh xắn cũng 15.000 đồng. Phan Rang có nguyên một “chợ đêm” trên đường 16 Tháng 4, ngay tại Quảng Trường. Chừng 4 giờ chiều là khu vực đang vắng vẻ nơi đây trở nên rộn ràng, những chiếc xe đẩy bán đủ thứ trên đời được đẩy ra, những chiếc ghế xếp được mở ra. Cả thành phố nho nhỏ ấy dường như dồn hết về nơi này.
Thật ra thì gọi là đi du lịch, ngay cả bước vào chợ Phan Rang bạn cũng sẽ không biết mua gì. Vì hàng hóa ở đây quen thuộc, cũng giống như những chợ bình thường khác. Đi vào mùa nho thì còn có quà là nho, hay mua ít tỏi, ít ớt khô của miền nắng gió này về làm quà. Nhưng thử một lần đến Phan Rang, sẽ thêm một lần ghé lại. Ta có cảm giác đi du lịch mà không phải là khách du lịch. Ta được hòa trộn vào không khí riêng tư của người địa phương, ta không phải lo lắng hỏi giá vì sợ chặt chém. Ta nghe biển thơm mùi muối, ta nghe những xôn xao trên con đường Thống Nhất hay cứ thong dong phóng xe hết đường 16 Tháng 4, vòng qua Ngô Gia Tự, vòng vòng đường Yên Ninh. Ghé ăn ốc, nghe tiếng bánh xèo kêu xèo xèo. Và nghe lòng cũng vui theo cái vui của miền đất hiền hòa.
Khuê Việt Trường