Độc đáo tiếng hò bả trạo

(NTO) Nếu đình Mỹ Nghĩa có nét đặc biệt là sự tồn tại đồng thời vừa lăng vừa đình thì lễ hội cầu ngư sẽ không còn độc đáo nếu thiếu đi tiếng hò bả trạo. Đây là linh hồn của lễ hội, là nét riêng của đình Mỹ Nghĩa thuộc phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) và chính yếu tố này đã làm nên giá trị cho đình- giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Sự ra đời của đình Mỹ Nghĩa như là một dấu ấn văn hóa tâm linh của những người con xa quê đến lập nghiệp ở vùng đất mới. Các bậc tiền nhân thuở lập ấp đã kết hợp một từ ở vùng đất mới và một từ nơi quê gốc của họ. Vùng đất mới là làng Mỹ An với các ấp đều bắt đầu bằng “Mỹ”, còn quê gốc của họ là Quảng Ngãi mà xưa còn gọi là Quảng Nghĩa. Do vậy từ Mỹ Nghĩa ra đời vừa hợp tình hợp lý vừa là một sự ghi nhớ đặc biệt cho cả hai vùng đất mà với họ đều là quê hương.

 
Ngư dân hát múa bả trạo tại đình làng Mỹ Nghĩa thuộc phường Mỹ Đông.

Đình Mỹ Nghĩa được xây dựng từ lâu đời nhưng trước thách thức của thời gian, dấu tích xưa không còn và theo lời kể của các vị cao niên ngôi đình hiện tại đã được trùng tu gần như hoàn toàn vào năm 1972. Đình Mỹ Nghĩa không có nét đẹp về kiến trúc nghệ thuật, tuy nhiên nét đặc biệt của ngôi đình là cấu trúc vừa lăng vừa đình. Cụ thể ngôi đình này bao gồm nhà Tiền hiền, lăng Bà và lăng Ông. Mỗi cơ sở có một chức năng thờ tự riêng, được bài trí theo những phong cách khác nhau nhưng tất cả tương đối hài hòa với nhau trong tổng thể chung của một ngôi đình, tất cả đều thể hiện nét linh thiêng huyền diệu nhưng cũng đượm chất “đời”.

Nếu đình Mỹ Nghĩa có nét đặc biệt là sự tồn tại đồng thời vừa lăng vừa đình thì Lễ hội cầu ngư sẽ không còn độc đáo nếu thiếu đi tiếng hò bả trạo. Đây là linh hồn của lễ hội, là nét riêng của đình Mỹ Nghĩa và chính yếu tố này đã làm nên giá trị cho đình – giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Điều này được thể hiện qua lời khẳng định của một vị cao tuổi nằm trong Ban quản lý đình: “Cái của hồi môn mà cha ông chúng tôi để lại cho đình Mỹ Nghĩa chính là bộ siêu và bộ chèo bả trạo”.

Hát múa bả trạo là một nghi lễ chung trong Lễ hội cầu ngư của các vạn chài từ Quảng Nam đến Bình Thuận, tuy nhiên mỗi nơi lại tổ chức lễ hội bằng một sắc thái khác nhau. Đình làng Mỹ Nghĩa tổ chức Lễ hội cầu ngư vào ngày 16 tháng 4 Âm lịch (2- 3 năm tổ chức một lần) và diễn xướng chèo bả trạo với tựa đề bài hát là: “Bài chèo Nghinh Ông Nam Hải thủy thần”. Thời gian và tựa đề bài hát đã gợi lên một nội dung sâu sắc: đó là lòng thành kính, là lời ngợi ca của những người con ngư phủ đối với công đức che chở của Cá Ông – Nam Hải thủy thần, đó là lời mặc niệm dành cho những ngư phủ không may nằm lại nơi trùng khơi, đó là lời nguyện cầu cho một mùa màng bội thu, đó còn là lời khích lệ tinh thần đoàn kết của những ngư phủ trước sóng gió biển khơi.

Hát bả trạo là làm sống dậy bối cảnh của một chuyến thuyền từ lúc ra khơi đến khi cập bến. Do vậy để trình diễn một bài chèo bả trạo cần 19 thành viên gồm các vai: tổng mũi, tổng lái, tổng thương và các trạo quân (bạn chèo). Mỗi vai có những cách diễn xướng khác nhau nhưng tất cả đều đặt dưới tiếng sanh điều khiển của tổng mũi. Các nhân vật sử dụng một cách hài hòa các loại hình nghệ thuật dân gian: diễn tuồng, ngâm, nói lối, hò… để lột tả một cuộc sống đầy gian truân, vất vả, hiểm nguy nơi sóng nước. Họ đã mang đến cho người xem những xúc cảm khác nhau: vừa bồi hồi vừa trắc ẩn trong một không gian nghiêm trang của lễ nghi nhưng cũng rất đổi đời thường của nghề ngư phủ. Và tổng mũi, tổng thương, tổng lái hay các trạo quân không đơn thuần là các nhân vật trong một vở chèo mà họ như đang “sống” rất thật trong lòng người xem.

Trước đây một số đình làng ven biển Ninh Thuận vẫn duy trì hát múa bả trạo nhưng đến nay hầu như không còn trong khi đình Mỹ Nghĩa vẫn còn bảo tồn. Điều đó cho thấy đây là một di sản văn hóa cần được trân trọng và bảo tồn hợp lý. Và Lễ hội cầu ngư đình, lăng Mỹ Nghĩa là một địa chỉ du lịch tâm linh hứa hẹn không ít điều hấp dẫn, độc đáo cho những ai muốn nghiên cứu về vạn chài xưa.