Những tên đất, tên làng dân dã ở huyện Ninh Phước ngày xưa

(NTO) Huyện Ninh Phước: tính đến năm 2009, khi điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập huyện Thuận Nam, huyện Ninh Phước còn lại 8 đơn vị xã, 1 thị trấn trực thuộc.

Nguyên xưa là đất huyện Yên Phước, thời 1693 – 1697 Chúa Nguyễn Phúc Chu lập (do phát âm chữ Hán có tục húy kỵ nên các tài liệu ghi: An Phước, Yên Phúc, An Phúc đều đúng). Trong các thư tịch cổ của Triều Nguyễn mô tả thì địa bàn khi lập huyện Yên Phước rất rộng tương đương cả tỉnh Ninh Thuận ngày nay. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Huyện Yên Phước: phía Đông đến biển, giáp địa giới huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa, phía Tây đến địa giới huyện Tuy Phong, phía Nam đến biển, phía Bắc đến địa giới huyện Vĩnh Xương...“. Theo ghi chép năm 1836, huyện An Phước có 4 tổng: tổng Đức Lân, tổng Kinh Dinh, tổng Lương Tri, tổng Vạn Phước.

Đồi cát Nam Cương (huyện Ninh Phước). Ảnh: Văn Miên

Dưới thời Pháp thống trị, cùng với tổng Vạn Phước, tổng Phú Quý độc lập, huyện Yên Phước chia địa giới lại chỉ còn 3 tổng nhỏ: Tổng Hữu Đức gồm các làng: Vụ Bổn, Hậu Sanh, Hữu Đức, Phú Vĩnh, Bình Chử, Như Ngọc; Tổng Nghĩa Lập gồm các làng: Phước Lập, Văn Lâm, Nho Lâm, Hiếu Thiện, Thành Tín, Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ, Tuấn Tú; Tổng Tà Dương gồm các làng: Hoài Trung, Ma Hê, Chất Thường, Hoài Nhơn, Phước Đồng, Hiếu Lễ, Phú Nhuận, Giá, Là A, Rồ Ôn.

+ Phú Quý: hiện nay là các khu phố: 1,2,3,4,5,14 của thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Nguyên là tổng Phú Quý, thời Minh Mạng thuộc huyện Tuy Phong (gồm cả Nam Ninh Thuận, Bắc Bình Thuận hiện nay). Đặc biệt địa bàn tổng Phú Quý rất rộng, kéo dài ra cả... đảo Phú Quý ngoài khơi Bình Thuận xa xôi. Khi lập địa bạ năm 1836, tổng Phú Quý gồm 11 thôn ở đất liền: Sơn Hải, Cam Tỉnh, Thịnh Đức, Lạc Nghiệp, Trung Thành, Từ Nhơn, Nho Lâm, Từ Tâm, Vĩnh Hảo, Phú Quý, Đại Định và 11 thôn ngoài đảo: An Hòa, Hải Châu, Thới An, Hội Thuyên, Hương Lăng, Mỹ Khê, Mỹ Xuyên, Phú Ninh, Thương Hải, Triêu Dương, Thụy Hải. Chi tiết từ tài liệu này cũng có thể lý giải vì sao từ tên là đảo Cổ Long, Cù lao Khoai Xứ, đảo Thuận Tĩnh, Cù lao Thu… thời xa xưa ngày nay lại có tên là đảo Phú Quý! Chắc chắn rằng xuất phát từ đảo này xưa thuộc hành chính của tổng Phú Quý.

Đến thời Pháp thống trị, tổng Phú Quý chỉ còn các làng: Từ Tâm, Lâm Thủy, Từ Hòa, (làng) Phú Quý, Phú Đức, Lạc Nghiệp, Thương Diêm, Sơn Hải, Từ Thiện, Vĩnh Trường, Thạnh Đức, Thái Định.

+ Vạn Phước: hiện nay là tên một thôn thuộc xã Phước Thuận. Nguyên xưa là tổng Vạn Phước thời 1836 (Minh Mạng) gồm 20 thôn, xã: An Hòa, Mỹ Thịnh, An Xuân, Phú Mỹ, Đắc Nhơn xã, Tân Xuân, Khánh Vân, Tấn Đức, La Chử, Tấn Tước, Long Tuyền, Thuận Đức, Lương Cang, Trường Khánh, Thuận Hòa, Toàn Lộc, Toàn Giao Tây, Trường Sanh, Trường Thọ và (thôn) Vạn Phước. Nghĩa là bao trùm phần lớn địa bàn tỉnh hiện nay cả phía Bắc và phía Nam sông Dinh.

Đến thời Pháp thống trị, tổng Vạn Phước điều chỉnh địa giới, chỉ gồm các làng: Phú Thọ, An Thạnh, Hòa Thạnh, Nam Cương, An Long, Long Bình, Bình Quý, Thuận Hòa, (làng) Vạn Phước, Phước Khánh, Trường Sanh, Thái Giao, Phước An, Phước Thiện, Ninh Quý, Liên Sơn, Mông Đức, Nhuận Đức, La Chử. Nghĩa là vẫn còn rộng, bao trùm phần lớn địa bàn phía Nam sông Dinh.