Tiếng hát ân tình từ play Chăm

Ca khúc Làng Chăm Ơn Bác mãi mãi toả sáng đi vào đời sống nhân dân gắn liền với tên tuổi tác giả Amư Nhân- người nhạc sỹ dân tộc Chăm ân tình, tài hoa.

Từ làng Chăm Phú Nhuận (Play Pook Dăng), tiếng hát trữ tình của nhạc sỹ Amư Nhân đã vuợt qua khỏi bờ tre ruộng lúa đến với bạn bè khắp năm châu, bốn biển. Với Amư Nhân được sáng tác, được biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca Chăm cho đồng bào các dân tộc anh em thưởng thức là niềm hạnh phúc lớn lao của cuộc đời anh, cuộc đời của một người con play Chăm mang nghiệp cầm ca. Anh đã sáng tác và biểu diễn hàng trăm tác phẩm, riêng ca khúc Làng Chăm Ơn Bác mãi mãi toả sáng đi vào đời sống nhân dân gắn liền với tên tuổi tác giả Amư Nhân- người nhạc sỹ dân tộc Chăm ân tình, tài hoa.

Amư Nhân- nhạc sỹ dân tộc Chăm.

Nhạc sỹ Amư Nhân sinh năm 1952 tại làng Chăm Phú Nhuận thuộc xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước. Quê anh chuyên nghề trồng lúa được tưới từ nguồn nước mang nặng phù sa của dòng sông Dinh thơ mộng. Những điệu hát giã gạo (doh thok prah), hát đối đáp (doh damra), hát vãi chài (doh pôchjan) của các mẹ, các chị ngọt ngào thấm đẫm tâm hồn trong sáng của tuổi thơ anh. Những ngày diễn ra lễ hội Katê, anh nao lòng ngẩn ngơ theo âm hưởng đầm ấm vui tươi của tiếng trống ghi năng, trống paranưng, kèn sarani hoà nhịp cho những điệu múa Kơ roong, Patra, Mâng đặc sắc của dân tộc Chăm. Amư Nhân rất mê các ông thầy chủ lễ (On Kathănr) trình diễn điệu hát anh hùng ca (Chay Kathun) trên nền nhạc đệm của đàn Kanhi (đàn nhị mai rùa).

Đàn Kanhi làm bằng mai con rùa được cưa phần đầu và bịt bằng da trăn. Hai dây đàn được làm bằng những sợi tơ se. Cần đàn được làm bằng ống tre nhỏ không mắt, không gai dài khoảng 6 cm. Phần trên cần đàn có 2 thanh gỗ nhỏ giữ chức năng lên dây đàn và phần dưới được cắm vào mai rùa. Có lẽ do cộng hưởng giữa mai rùa và dây đàn làm bằng sợi tơ nên đàn kanhi có âm hưởng ấm, vang xa. Nó thường giữ vai trò nhạc đệm cho các ông thầy chủ lễ hát anh hùng ca trong các lễ hội dân gian Chăm.

Chay Kathun là điệu anh hùng ca có tiết tấu mạnh mẽ, hùng hồn. Khi nghe điệu Chay Kathun, mọi người thường liên tưởng đến hình ảnh người anh hùng mặc chiến bào tay cầm đao ngồi trên lưng ngựa xông pha trận mạc. Lời hát ca ngợi công đức của các bậc hiền nhân đã có công khẩn hoang lập ấp. Dạy nhân dân đoàn kết chăm lo cấy cày, dẫn thuỷ nhập điền, trồng bông dệt vải, chăn nuôi gia súc tạo lập cuộc sống ấm no cho xóm làng…

Đàn Kanhi và điệu Chay Kathun dân gian Chăm được các nhạc sỹ ngày nay tiếp thu và phát triển thành những tác phẩm âm nhạc hiện đại. Theo Amư Nhân, điệu Chay Kathun và đàn Kanhi là khúc song hành mùa xuân độc đáo. Đây chính là “chất liệu gốc” giúp anh sáng tác thành công ca khúc Làng Chăm ơn Bác. Bài hát này được viết vào mùa xuân năm 1985. Khi đó anh là cán bộ văn nghệ quần chúng của Phòng Văn hoá- Thông tin huyện Ninh Phước. Từ trong sâu thẳm tấm lòng của người thanh niên dân tộc Chăm ghi nhớ công lao vĩ đại của Bác Hồ đối với sự nghiệp giải phóng đưa dân tộc thoát khỏi cuộc đời áp bức lầm than. Người đã đem cuộc sống tự do no ấm về cho đồng bào Việt Nam, đem vinh quang về cho Tổ quốc. Trong lần biểu diễn đầu tiên tại Nhà Văn hoá tỉnh Thuận Hải (Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay), ca khúc Làng Chăm Ơn Bác được lãnh đạo Đoàn ca múa tỉnh đánh gía cao và chọn tham dự Hội diễn tiếng hát Làng Sen tổ chức lần thứ nhất tại thành phố Vinh nhân dịp kỷ niệm 95 năm sinh nhật Bác Hồ, tháng 5-1985.

Amư Nhân bước ra sân Khấu trong trang phục truyền thống dân tộc Chăm trình bày ca khúc Làng Chăm ơn Bác. Lời hát thiết tha ngân vang với chính giọng ca tác giả. Ngay câu hát mở đầu đã gây xúc động lòng người: “ Từ làng Chăm xa xôi nay con về thăm quê Bác, nghe trong lòng bao thương nhớ, ôi mang nặng tình Bác trong tim. Người đã đem vinh quang cho nước non, công ơn trên như núi cao biển sâu khắc ghi ngàn năm”. Bài hát khép lại trong tiết tấu thiết tha trào dâng cảm xúc mạnh mẽ:” Hồ Chí Minh trong trái tim Việt Nam. Hồ Chí Minh trong trái tim người Chăm”. Khán giả vỗ tay vang dội tán thưởng ca khúc Làng Chăm ơn Bác được sáng tác và biểu diễn xuất sắc. Amư Nhân vinh dự nhận Huy chương vàng của Ban Tổ chức Hội diễn và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh. Sau sự thành công đó, đầu năm 1986, anh được mời tham gia cùng đoàn ca nhạc Mùa Thu sang Cu- Ba biểu diễn. Bà con Việt kiều sinh sống ở làng Bến Tre (ngoại ô La- ha- ba- na) không cầm được nước mắt trong nỗi niềm thương nhớ Bác Hồ khi nghe Amư Nhân hát Làng Chăm ơn Bác.

“Tôi luôn ước mong sống khoẻ và hát tốt để động viên mọi người thi đua lao động sản xuất, gắn bó tình đoàn kết các dân tộc anh em tham gia xây dựng đất nước mình ngày càng giàu đẹp”, nhạc sỹ Amư Nhân cười hào sảng tâm sự.