Đặc sắc Lễ hội “Lăng Ông Nam Hải” ở vùng biển

(NTO) Cứ 3 năm một lần, người dân vùng biển ở xã Thanh Hải (Ninh Hải) lại tổ chức Lễ hội “Lăng Ông Nam Hải”–còn được gọi là Lễ hội Lăng Thần Nam Hải nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, thêm mùa vụ mới bội thu.

Ngày nay, ngư dân vùng biển tỉnh ta nói chung và huyện Ninh Hải nói riêng đều có những phong tục lễ cúng dành riêng cho vùng biển. Lễ hội “Lăng Ông Nam Hải” được duy trì lâu đời, được ngư dân nơi đây lưu giữ và truyền tụng cho đến các thế hệ ngày nay. Lễ hội được tổ chức vào đầu tháng ba (âm lịch), có ý nghĩa cầu mong cho mưa thuận gió hòa, ngư dân bình an, mùa màng bội thu, quê hương ấm no, giàu đẹp.

Ông Lê Khán, Trưởng ban tổ chức Lễ hội cho biết: Theo phong tục của dân làng, lễ hội Lăng Ông Nam Hải cứ 3 năm tổ chức 1 lần vào giữa tháng 3 âm lịch. Năm nay, ngày lễ cúng được diễn ra 6 ngày từ ngày 26-4 đến 1-5 (tức nhằm ngày 11-3 đến 16-3 âm lịch) trùng vào những ngày lễ lớn của đất nước. Tại thời điểm này, ngư dân địa phương rất phấn khởi, vì từ đầu năm đến nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên ngư dân trúng đậm vụ cá nục, mực...

Nghi lễ rước Ông Nam Hải.

Trong chương trình Lễ hội Lăng Ông Nam Hải, “Lễ Nghinh Ông” (tức lễ rước Ông Nam Hải) được xem là nghi lễ đặc sắc và thiêng liêng nhất. Như thông lệ, đúng 13 giờ trưa ngày 11 tháng 3 (âm lịch), Lễ Nghinh Ông được tiến hành. Lễ rước khởi hành từ Lăng Ông Nam Hải đến cầu cảng Bến cá Mỹ Tân. Trong đó đoàn lân, đội múa náp và đoàn nghinh Ông gồm các vị kỳ lão, kỳ hương khiêng kiệu rồi đặt lên một chiếc thuyền lớn, trên thuyền trang trí cờ hoa, cờ hội lộng lẫy; bố trí chiêng trống, đội nhạc để phụ trợ trong lễ nghinh thần. Sau đó, kiệu được nghinh lên 3 chiếc thuyền lớn nghề chính chờ sẵn trực chỉ ra biển khơi. Thuyền đi nghinh Ông phải là thuyền tốt, chủ thuyền là người có đức độ, làm ăn giỏi, gia đình thuận hoà, êm ấm… Thuyền chính lập hương án ở mũi thuyền, chở Ban nghi lễ cùng đội nhạc với chiêng trống, cờ phướn, lọng che rất uy nghiêm. Thuyền bên trái và thuyền bên phải chở 2 đoàn lân, đoàn múa náp cùng các bậc hào lão, kỳ mục. Theo sau đoàn là các thuyền của dân làng, cứ thế đi theo hướng mặt trời mọc, chạy ra một đoạn khoảng 1 hải lý, sau đó rẽ phải chạy lên hòn Đỏ, rồi ngược lại đến hòn Chông thì dừng lại. Hồi trống nổi lên, người chủ tế mặc áo dài khăn đóng nghiêm trang đứng trước hương án bắt đầu vái hương và cầu khấn. Khi lễ cúng chấm dứt, hoàn tất, cả đoàn người reo hò vang dậy, các thuyền đồng loạt nổ máy, quay mũi hướng vào bờ.

Vui mừng trong không khí chuẩn bị lễ hội, ngư dân Phạm Đức Thiên chia sẻ: Luồng gió và biển êm đầu năm cho nên tàu thuyền của gia đình ra khơi thuận lợi, đánh bắt được nhiều hải sản. Lễ hội rộn ràng, đặc sắc, cũng vì thế ngư dân chúng tôi tiếp tục cầu mong có mùa vụ đánh bắt hải sản được bội thu. Trong những ngày lễ hội, có những trò chơi dân gian mang đậm chất vùng biển như: bịt mắt bắt dê, kéo co… và không thể thiếu âm nhạc như hát tuồng, múa náp… đó là “món ăn” tinh thần, tạo không khí vui chơi, lành mạnh trong thời gian diễn ra lễ hội.

Qua Lễ hội Lăng Ông Nam Hải, các giá trị văn hóa cộng đồng được phát huy tính tích cực như tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái, tình đoàn kết xóm giềng, đoàn kết giữa các cộng đồng làng và các tín ngưỡng được vun đắp. Năm nay, Lễ hội này diễn ra cùng với thời điểm cả nước tổ chức nhiều hoạt động chào mừng 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu và tham gia. Và người dân vùng biển đón chào một mùa vụ với bội thu.