Kỳ vọng đột phá mới trong chăn nuôi

(NTO) Năm 2018, chăn nuôi lộ dần những mãng sáng, có thể kỳ vọng bước đột phá mới về phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành chăn nuôi đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thời gian qua các địa phương áp dụng những mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đạt kết quả bước đầu. Chương trình liên kết chăn nuôi triển khai ở huyện Ninh Phước với sự vào cuộc của một số doanh nghiệp trong cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho nông dân cách đây vài năm, đến nay lan ra diện rộng. Nỗ lực của ngành chức năng, chính quyền các cấp trong hỗ trợ nông dân đưa chăn nuôi lên ngành sản xuất chính cũng tạo được chuyển biến tích cực. Kết quả dễ nhận thấy là các huyện vận động nông dân nhân rộng mô hình nuôi gia súc phù hợp với điều kiện thực tế ở từng nơi. Đối với khu vực đồng bằng, hình thức tận dụng phụ phẩm nông nghiệp vỗ béo các vật nuôi đặc thù như bò, dê, cừu trở nên phổ biến. Riêng khu vực miền núi, mô hình chăn nuôi dưới tán rừng đã khai thác được tiềm năng lợi thế tự nhiên để phát triển bền vững. Mặc dù những mô hình trên chưa được triển khai một cách sâu rộng, nhưng có thể khẳng định đó là xu thế của chăn nuôi năm 2018, bởi giảm được nhiều chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế cao.

Ngành chăn nuôi kỳ vọng có đột phá mới trong năm 2018.

Cuối năm 2017, sản phẩm thịt cừu, dê, heo đen được bảo hộ dưới hình thức Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu tập thể đã mở đường cho phong trào chăn nuôi VietGAP phát triển mạnh mẽ. Các Hợp tác xã Nông nghiệp - Chăn nuôi Tân Hà (Thuận Nam), Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Suối Đá (Thuận Bắc) cam kết thực hiện quy trình nuôi tiên tiến để phát triển thương hiệu sản phẩm đang là tín hiệu mừng cho thấy ý thức của người chăn nuôi được nâng lên, chú trọng sản xuất hàng chất lượng cao để được tham gia vào các thị trường ổn định. Đầu năm 2018, đồng bào vùng cao ở huyện Bác Ái mở rộng đầu tư chăn nuôi heo đen để cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn với giá bán cao cũng tạo được hiệu ứng tích cực trong xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc thù đã được bảo hộ.

Đợt hạn hán kéo dài từ năm 2014 đến cuối năm 2016 các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp rút ra kinh nghiệm quý giá là tiến hành thanh lọc đàn, cải tạo giống đến nay đã có kết quả. Điểm mới nữa kỳ vọng vào sự bứt phá ở năm 2018 là có doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm vốn là hạn chế của ngành chăn nuôi kéo dài, nay đã được khắc phục. Trong số doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư xây dựng lò giết mổ tập trung, nổi lên doanh nghiệp Đức Hòa đã đầu tư dây chuyền công nghệ giết mổ hiện đại, quy mô 200 con/ngày-đêm đang đặt ra nhiệm vụ cho ngành chức năng, các địa phương sớm quy hoạch vùng chăn nuôi đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở chế biến.

Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2020 chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng bò, dê, cừu; ổn định đàn heo và gia cầm, theo hướng nâng cao chất lượng, áp dụng giống mới năng suất cao, tỷ lệ sind hóa đàn bò đạt 50%; đàn dê, cừu lai giống mới đạt 90%; tỷ lệ nạc hóa đàn heo 90%. Từng bước chuyển từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi tập trung, gắn với thu hút đầu tư của doanh nghiệp và chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng cạn, cỏ chăn nuôi chất lượng cao, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh, tổ chức chăn nuôi khép kín các khâu trong chuỗi giá trị từ cung ứng đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên phát triển các con nuôi có lợi thế, đến năm 2020 tổng đàn trâu, bò đạt 144.000 con, dê, cừu đạt 255.000 con. Hộ chăn nuôi trên toàn tỉnh đang đứng trước cơ hội làm giàu, nhất là bà con ở các huyện miền núi Ninh Sơn, Bác Ái có thể tận dụng khoảng 35 - 40 ngàn ha đất rừng làm nơi chăn thả gia súc, phát triển các trang trại bò quy mô 100 - 200 con; dê, cừu quy mô hàng ngàn con. Ở vùng đồng bằng, với diện tích gieo trồng hằng năm khoảng 75.000 ha, nông dân tận dụng được khoảng 230 ngàn tấn phụ phẩm để cung cấp trực tiếp và chế biến, bảo quản thức ăn cho gia súc. Cùng với đó là xu thế chuyển đổi đất màu sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ voi tạo nguồn thức ăn cho gia súc đang phát triển rộng khắp cũng là điều kiện để tăng đàn gia súc, phát triển chăn nuôi quy mô hàng hóa.