Bác Ái: triển khai cánh đồng lớn gắn với chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất

(NTO) Huyện Bác Ái đang tập trung triển khai thực hiện cánh đồng lớn, coi đó là giải pháp chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của mặt hàng nông nghiệp.

Là huyện miền núi, Bác Ái được đánh giá có tiềm năng phát triển nông nghiệp, nhất là các loại cây trồng lợi thế, như: bắp: 4.00 ha, mì: 950 ha, mía: 450 ha… Hưởng lợi từ Nghị quyết 30a, ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, thời gian qua địa phương được các cấp, ngành ưu tiên triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến. Tiêu biểu là Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ thực hiện một số đề tài, dự án mang lại kết quả đáng ghi nhận, tạo bước chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành các vùng trồng bắp lai NK67 tập trung ở các xã Phước Tiến, Phước Thắng, Phước Đại, Phước Chính; vùng trồng bưởi da xanh, chuối ở Phước Bình theo quy mô hàng hóa. Thông qua triển khai các mô hình, đã góp phần thay đổi nhận thức của bà con từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, đầu tư mở rộng sản xuất nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo.

Bác Ái xây dựng vùng sản xuất mía tập trung. Ảnh: Anh Tùng.

Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp ở Bác Ái vẫn đi sau các huyện khác trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân kìm hãm phát triển được xác định là do nông dân chưa khai thác hết phần diện tích chủ động nước từ các công trình thủy lợi hồ Sông Sắt, Trà Co. Hàng ngàn ha đất sản xuất cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến bị bỏ hoang do người dân thiếu vốn đầu tư đang là lãng phí lớn. Việc triển khai các mô hình sản xuất nhỏ lẻ, dàn trải, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cũng là những bất cập cần sớm khắc phục.

Với quyết tâm thực hiện có kết quả Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Bác Ái coi trọng vai trò của khoa học kỹ thuật làm đòn bẫy tạo đột phá để phát triển nông nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, thực hiện tốt chính sách ưu đãi của tỉnh về phát triển nông nghiệp, thôn thôn. Qua đó, đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện tại, trên địa bàn đang thực hiện Dự án Nghiên cứu triển khai và đầu tư áp dựng công nghệ xanh phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch ít phát thải khí nhà kính tại xã Phước Tiến. Dự án được biết đến là tổ hợp nghiên cứu toàn diện; trong đó, chú trọng lai tạo giống cây trồng, lĩnh vực có lợi thế so sánh của tỉnh, khi đi vào hoạt động hứa hẹn góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện Chương trình xây dựng cánh đồng lớn của tỉnh, huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang liên kết với nông dân triển khai cánh đồng lớn sản xuất mía ở xã Phước Tiến và Phước Thắng. Nếu như trước đây, việc canh tác cây mía chủ yếu bằng sức lao động, thì hiện nay các công đoạn cày đất, đánh hàng, xuống giống, bón phân, làm cỏ được cơ giới hóa bằng máy móc hiện đại.

Đồng chí Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyên Bác Ái, cho biết: Bước vào năm 2018, huyện tiếp tục chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng đẩu mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng lớn gắn với chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đời sống cho người dân. Xây dựng vùng trồng bắp lai tập trung quy mô 3.000 ha thành cánh đồng mẫu ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt tại những vùng lợi thế, theo quy hoạch, ở các xã: Phước Bình, Phước Tiến, Phước Đại, Phước Chính, Phước Trung. Đối với phát triển cây mì, tiếp tục chuyển giao giống mới KM228, KM140, F11 đã thử nguyện thành công trong năm 2017 cho nông dân canh tác ở những khu vực gò đồi nhằm khai thác tồi đa tiềm năng lợi thế về đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung.