Nhật ký Hải trình “Trường Sa thân yêu”

Dấu ấn sức trẻ, trí tuệ Ninh Thuận trên đảo tiền tiêu

(NTO) Với tinh thần “cả nước vì Trường Sa”, ngày càng có nhiều người là con em của mọi miền Tổ quốc xung phong ra bảo vệ và xây dựng đảo chủ quyền của đất nước. Trong số đó, có những người là kỹ sư điện, là lính kỹ thuật an toàn bay ở Ninh Thuận không ngại khó khăn, gian khổ, góp sức trẻ và trí tuệ của mình, xây dựng huyện đảo Trường Sa ngày càng hiện đại, vững chắc.

Tại đảo Trường Sa, bên cạnh đường bay rộng, còn có khu Nhà ga hàng không và Đội đảm bảo kỹ thuật Sân bay Trường Sa làm nhiệm vụ sẵn sàng đón những chuyến bay cất và hạ cánh ở Trường Sa. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ở Đội đảm bảo kỹ thuật Sân bay Trường Sa phần lớn là những người đã từng sống và làm việc tại Trung đoàn Không quân 937 - Sân bay Thành Sơn, trong đó có 5 CBCS hiện có gia đình, người thân đang sinh sống tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Tới thăm các anh, chúng tôi cảm nhận sự gần gũi, thân tình như ở nhà mình. Mọi người dường như không có khoảng cách, phân biệt về tuổi tác, chức vụ hay vùng miền, anh em cùng đơn vị sống hết mực đoàn kết, yêu thương nhau. Có không ít CBCS của đơn vị đã ra đảo công tác 2-3 lần, vẫn vẹn nguyên cảm xúc tình yêu với đảo.

Tự hào là một trong những người con Ninh Thuận đầu tiên ra công tác trên đảo Trường Sa và có đến 3 lần nhận nhiệm vụ trên hòn đảo trung tâm này, Trung tá Hà Đình Hiển, (ở Khu phố 8, phường Đô Vinh, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: Năm 1993, khi mới vào ngành được 2 năm, tôi đã được Trung đoàn Không quân 937 cử ra đây làm nhiệm vụ dẫn đường bay. Đến năm 2003 lại ra đảo lần thứ hai và lần này nữa là lần thứ ba. So với trước, Trường Sa đã đổi thay rất nhiều, điều kiện sống và làm việc trên đảo ngày càng thuận lợi. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ở đất liền, đảo đang được xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại. Đã từng nhiều lần ăn Tết xa đất liền, nhân dịp Tết này có đoàn ra đảo, anh Hiển cũng như anh em trong đơn vị không quên gửi lời chúc tới gia đình, người thân yên tâm, vui vẻ đón Tết ở quê nhà. Chia sẻ tâm sự với chúng tôi, anh Hiển nhớ lại: Trước Tết năm 2003, tôi ra đảo Trường Sa nhận nhiệm vụ, khi đó con gái đầu lòng mới tròn 3 tuổi. Thương người vợ trẻ ở nhà, vừa vất vả chăm con để chồng yên tâm công tác, vừa tất bật với bộn bề công việc. Những lúc khó khăn, cũng nhờ có bà ngoại ở gần tới phụ giúp trông cháu. Sau đợt công tác đó, tôi về nhà nhưng con không chịu nhận bố, cứ bồng lên lại khóc thét, quay mặt đi. Phải gần gũi cả tháng trời, con mới quen mặt và chịu cho bố bồng. Thế mà, nay cháu đã lớn học lớp 12 Trường THPT Tháp Chàm, thỉnh thoảng vẫn điện thoại ra đảo hỏi thăm bố.

Các kỹ sư của Điện lực Ninh Thuận đang sửa chữa, bảo dường hệ thống điện năng lượng trên đảo Đá Lát.

Công tác tại đảo xa, nhưng những người lính như anh Hiển, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Biên, Tổ trưởng Tổ thông tin, Đội đảm bảo kỹ thuật Sân bay Trường Sa (ở khu phố 2, phường Đô Vinh), anh Trần Hồng Thắng (ở phường Phủ Hà) vẫn luôn tự hào là những người ở Ninh Thuận đang góp sức mình bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Trong khoảnh khắc vội vàng chào tạm biệt chúng tôi lên tàu tiếp tục hành trình, anh Trần Hồng Thắng chia sẻ ước vọng: Mong rằng, không lâu nữa những chuyến bay nối đất liền với đảo sẽ thuận lợi hơn. Khi đó chúng tôi sẽ đứng ở đường băng này, đón người thân, bà con ở đất liền ra thăm đảo. Các đoàn ra đảo sẽ đỡ vất vả với hải trình dài ngày vượt sóng gió trong mùa giông bão.

Mong ước này càng mãnh liệt hơn trong mỗi chúng tôi, khi đoàn vào đảo Đá Lát, điểm đảo cuối cùng của hành trình. Mặc dù sóng biển đã không còn dữ dội như những ngày trước, nhưng việc vào đảo chìm với thềm san hô rộng vẫn khá khó khăn, xuồng máy phải đi vòng tìm lạch nước đủ độ sâu để vào đảo. Thật may mắn, tại đảo Đá Lát, chúng tôi đã gặp được những kỹ sư trẻ quê Ninh Thuận. Đó là anh Đoàn Ngọc Lợi, Tổ trưởng Tổ Giám sát Công trình sửa chữa, bảo trì hệ thống điện năng lượng trên quần đảo Trường Sa, là nhân viên Phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Ninh Thuận và anh Trần Vinh Trí, Thành viên Tổ Giám sát, hiện công tác tại Phòng Kinh doanh Điện lực Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Trong điều kiện công tác tại đảo xa, sóng gió bất thường, thời gian Tết đã cận kề, yêu cầu công việc phải gấp rút, nhưng các anh vẫn vui vẻ, hăng say, quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng và tiến độ công việc. Anh Đoàn Ngọc Lợi cho biết: Phải mất 4 ngày chờ biển bớt sóng, chúng tôi mới vào được đảo này. Trong điều kiện sóng gió, vận chuyển hơn 40 bình ắc quy nặng đến 70 kg, hàng chục tấm pin năng lượng và nhiều thiết bị điện vào đảo, anh em trong đoàn phải rất vất vả. Theo kế hoạch, tại mỗi đảo chỉ có 3 ngày để hoàn thành hết các phần việc, cũng như khắc phục thiệt hại bổ sung sau bão, anh em phải tranh thủ mọi thời gian để làm việc. Vào đảo còn mệt và chưa hết cơn say sóng, anh em đã bắt tay vào làm cho đến khuya. Trời vừa hửng sáng đã thức dậy leo lên giàn cao để sơn trụ, lắp đặt, sửa chữa hệ thống điện, chạy đua với thời gian, thời tiết.

Chặng cuối của cuộc hành trình đối với chúng tôi nhưng lại là điểm bắt đầu của đoàn công tác thuộc Công ty Điện lực Ninh Thuận. Các anh sẽ tiếp tục nhiệm vụ của mình tại 10 đảo và điểm đảo còn lại để kịp phục vụ quân và dân trên đảo xa đón Tết. Hy vọng trong những ngày tới, trời sẽ yên, biển sẽ bớt sóng để các anh đỡ vất vả, kịp hoàn thành nhiệm vụ trước khi Tết đến, Xuân về. Chào tạm biệt những người con Ninh Thuận ở Trường Sa, chúng tôi về với đất liền nhưng hình ảnh những người lính an toàn bay, những kỹ sư điện trên hành trình chúng tôi qua vẫn còn đọng lại trong lòng. Hẹn gặp lại những người con ưu tú của quê hương Ninh Thuận trong một ngày vui gần nhất, trên quê hương mình. Chúc các anh vững vàng tay súng, giữ vững quyết tâm, hăng say công việc, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chúc một mùa xuân mới với nhiều thắng lợi và thành công mới!