Quỹ Hỗ trợ Nông dân “đòn bẫy” giúp hội viên phát triển kinh tế

(NTO) Thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tạo điều kiện giúp hàng trăm hội viên trên địa bàn tỉnh tiếp cận nguồn vốn vay, đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Dự án cải tạo vườn măng tây xanh ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) được đánh giá là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả nhờ sự hỗ trợ từ Quỹ HTND. Tận dụng lợi thế địa phương, thời gian qua nông dân thôn Tuấn Tú mạnh dạn trồng măng tây xanh, tuy nhiên với quy mô sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ, năng suất cây trồng chưa cao; năm 2016, Quỹ HTND tạo điều kiện cho 16 nông hộ vay 20 triệu đồng/hộ để cải tạo vườn măng tây xanh. Nhằm giúp hội viên sử dụng đồng vốn hiệu quả, ngoài việc đôn đốc, nhắc nhở các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, Hội Nông dân xã An Hải còn chủ động phối hợp hướng dẫn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn măng tây của mình, ông Hứa Văn Mơi, thôn Tuấn Tú, xã An Hải cho biết: Trước đây gia đình tôi cũng trồng măng tây nhưng do không có vốn nên một số vụ chỉ làm cầm chừng. Sau khi có thêm nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, tôi đã mở rộng diện tích trồng, cải tạo lại vườn, phân thuốc đầy đủ nên toàn bộ diện tích măng tây xanh phát triển tốt hơn, đầu ra ổn định. Hiện nay, mỗi sào thu được từ 8-10 kg măng với giá dao động từ 50-80 ngàn đồng/kg, bình quân gia đình thu nhập khoảng trên 400 triệu đồng/năm.

 

Dự án cải tạo vườn măng tây xanh ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước)
góp phần cải thiện đời sống cho bà con. Ảnh: V.M

Dự án chăm sóc vườn táo kết hợp với chăn nuôi cừu vỗ béo ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải) bước đầu cũng mang lại hiệu quả. Từ nguồn Quỹ HTND, Hội Nông dân tỉnh đã giải ngân 450 triệu đồng cho 15 nông hộ tham gia thực hiện Dự án. Có được nguồn vốn vay ưu đãi, các nông hộ mạnh dạn trồng táo kết hợp với xây dựng chuồng trại, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Không chỉ tiếp vốn, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho bà con, Hội Nông dân các cấp còn động viên hộ dân tham gia các tổ hợp tác, từng bước ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Vì vậy, sau hai năm triển khai, năng suất, chất lượng táo đều đạt, đầu ra ổn định, đàn gia súc phát triển tốt. Sau khi trừ chi phí sản xuất, bình quân mỗi hộ thu được 100 triệu đồng/năm.

Từ hiệu quả thực tế cho thấy nguồn Quỹ HTND thực sự là điểm tựa tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ nông dân đầu tư mở rộng sản xuất. Từ năm 2012 đến nay, Quỹ HTND đã giải ngân 172 dự án, 1.755 hộ vay, với tổng số vốn trên 38,7 tỷ đồng phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy-hải sản… Trong đó nhiều dự án, mô hình đều đạt hiệu quả cao, đa số nông dân vay vốn sản xuất đều thu lãi, có thêm nguồn thu nhập ổn định cuộc sống. Đơn cử như Dự án nuôi cá trê thương phẩm tại xã Thành Hải; chăn nuôi bò vỗ béo phường Đạo Long (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm); sản xuất muối thương phẩm ở xã Nhơn Hải; mô hình nuôi cá bớp xã Thanh Hải (Ninh Hải)… Thông qua việc tham gia các dự án, nông dân còn được nâng cao kiến thức khoa học, chuyển đổi tập quán canh tác lạc hậu sang canh tác có khoa học- kỹ thuật, từng bước giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng cũng ngày càng phát triển. Các mô hình, dự án vay vốn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Theo đồng chí Kiều Như Bổn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh để nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, trước khi đưa vốn về cho nông dân, các cấp Hội tích cực phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương trực tiếp xuống khảo sát địa bàn, mục đích cho vay đúng đối tượng. Khi các hộ vay vốn, các cấp Hội tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, cách quản lý, sử dụng, giúp các nông hộ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Với vai trò “bà đỡ” của nông dân, thời gian tới, ngoài việc phát huy hiệu quả các nguồn hỗ trợ, Hội sẽ tiếp tục vận động cán bộ, hội viên đóng góp xây dựng nguồn quỹ ở cơ sở cũng như tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi khác như: Vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, các dự án của các tổ chức phi chính phủ, của Trung ương, tỉnh để giúp nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.