Chăm sóc dinh dưỡng cho người nhiễm HIV/AIDS

(NTO) Dinh dưỡng đầy đủ cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS là rất cần thiết để giúp cho bệnh nhân có đủ các chất dinh dưỡng, duy trì được cân nặng, tăng miễn dịch, cải thiện khả năng chống lại HIV, giảm tần suất và làm ngắn thời gian mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và làm chậm tiến triển sang AIDS…

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người nhiễm HIV/AIDS

Cần ăn đủ 4 nhóm thực phẩm:

Protein: Protein có nguồn động vật: các loại thịt, trứng, sữa và các chế phẩm của sữa. Đây là nguồn đạm giàu giá trị dinh dưỡng, có chất lượng cao nên ăn thường xuyên. Ngoài ra cần phối hợp với protein có nguồn gốc thực vật như các loại đậu đỗ, đậu phụ, đậu tương…

Chất béo: là nguồn tốt cung cấp năng lượng cao. Người nhiễm HIV cần sử dụng dầu và mỡ để đạt được nhu cầu năng lượng cần thiết trong trường hợp không bị tiêu chảy, kém hấp thu mỡ. Chất béo có nguồn gốc thực vật như dầu đậu nành, dầu hướng dương, lạc, vừng… nên sử dụng trong các các món xào rán. Nên hạn chế chất béo có nguồn gốc động vật như thịt mỡ, mỡ lợn, mỡ gà…

Glucid: là nguồn cung cấp năng lượng chính, các loại ngũ cốc (gạo, mỳ, ngô…) và khoai củ cung cấp tinh bột và là nguồn năng lượng chính trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đây là những loại thực phẩm thường sẵn có, dễ tiếp cận và có khả năng cung cấp thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày.

Các vitamin và chất khoáng: Các vitamin và chất khoáng đóng vai trò quan trọng đối với tăng cường khả năng miễn dịch cho người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV thường bị thiếu các vitamin như A, C, E, B6, B12, acid folic và các chất khoáng như kẽm, sắt, selen vì bị mất quá mức qua bài tiết nước tiểu và phân. Cung cấp đủ các vitamin và chất khoáng này có thể giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

Ngoài ra, người nhiễm HIV/AIDS cần uống đủ nước, nước uống phải sạch và nấu chín trước khi sử dụng. Không nên uống trà và cà phê vì làm giảm hấp thu sắt và gây khó ngủ.

Đảm bảo vệ sinh dinh dưỡng cho người nhiễm HIV/AIDS

Phải đảm bảo sử dụng các thực phẩm tươi, chế biến hợp vệ sinh. Ăn thức ăn đã nấu chín, uống nước đã đun sôi. Các hoa quả tươi phải được rửa sạch và gọt vỏ trước khi ăn, không ăn rau sống.

Các dụng cụ chế biến thức ăn cần phải được vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi sử dụng.

Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thực phẩm, trước khi cho người bệnh ăn hoặc uống thuốc, tẩy giun 6 tháng/lần.