Mặt trận huyện Bác Ái: Thực hiện “dân vận khéo” giảm nghèo bền vững

(NTO) Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong năm qua, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã được hệ thống MTTQ các cấp triển khai khá đồng bộ với nhiều cách làm sáng tạo, giải pháp thiết thực. Đặc biệt là MTTQ huyện Bác Ái, qua thực hiện “Dân vận khéo” đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành, sự đồng thuận cao trong xã hội về thực hiện chăm lo cho người nghèo từng bước ổn định cuộc sống, hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững.

Là huyện miền núi, Bác Ái có dân số khoảng 28.500 người, trên 91% là đồng bào dân tộc Raglai, trong đó chiếm tỷ lệ gần 54% là hộ nghèo. Do điều kiện tự nhiên và xã hội, nền kinh tế của huyện phát triển chậm, chưa vững chắc, bình quân thu nhập đầu người thấp và có tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên Bác Ái là một trong những địa phương thuộc diện thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008 của Chính phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo”. Đồng chí Trần Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bác Ái cho biết: “Từ đặc điểm trên, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào dân vận khéo “Thi đua giảm nghèo bền vững”, qua đó phát huy tinh thần tương thân tương ái trong xã hội, giúp người nghèo trong huyện vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”. Quá trình thực hiện đã có sự gắn kết chặt chẽ với các phong trào, cuộc vận động khác như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM) và rất nhiều phong trào do các đoàn thể phát động.

Để thực hiện hiệu quả phong trào dân vận khéo “Thi đua giảm nghèo bền vững”, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bác Ái đã chọn điểm triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tập trung vào nội dung: Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng. Trước hết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các đoàn thể đã trực tiếp làm việc với Đảng ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã Phước Thắng và Phước Đại để thống nhất cách làm. Theo đó, sẽ lựa chọn mỗi xã 15 hộ nghèo có khả năng thoát nghèo để vận động hộ tự vươn lên và hỗ trợ nhau phấn đấu thoát nghèo vào cuối năm 2017. Ngoài ra, các cơ quan đã trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với từng hộ dân để tìm hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân nghèo, nguyện vọng và động viên họ thoát nghèo, đồng thời đề xuất các cấp chính quyền thực hiện chính sách hỗ trợ phù hợp như cho vay vốn, hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ sản xuất … Kết quả sau một năm thực hiện đã có 10 hộ tại các xã nói trên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh chọn điểm triển khai, MTTQ Việt Nam huyện Bác Ái còn vận động nhân dân trong huyện tích cực hưởng ứng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thông qua các mô hình chăn nuôi bò, cừu, dê sinh sản, tập trung hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc đúng kỹ thuật, để góp phần nâng cao thu nhập. Thực hiện “dân vận khéo”, MTTQ Việt Nam huyện thường xuyên tuyên truyền người dân đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, đơn cử như việc hỗ trợ giúp nhau khi thực hiện Đề án 406 của Mặt trận tỉnh giữa 250 hộ của 23 tổ đoàn kết chăn nuôi bò tại các xã Phước Đại, Phước Chính, Phước Tân và Phước Bình. Để giúp người dân địa phương tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, MTTQ Việt Nam huyện phối hợp cơ quan chức năng, chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất mới hiệu quả. Điển hình đã nhân rộng mô hình chăn nuôi dê sinh sản của 12 hộ dân xã Phước Trung và xã Phước Chính; tiếp tục duy trì các mô hình nuôi bò sinh sản tại xã Phước Thắng (20 con/10 hộ), xã Phước Đại (4 con/2 hộ) và chăn nuôi cừu sinh sản của 2 hộ (50 con) tại xã Phước Hòa. Ở các xã Phước Hòa, Phước Chính, Phước Thắng, các hội viên Hội Cựu chiến binh giúp nhau phát triển, nhân rộng mô hình chăn nuôi bò (83 con/60 hộ) thông qua hình thức nuôi rẻ bò sinh sản.

Cùng với phát huy thế mạnh về chăn nuôi, MTTQ Việt Nam huyện Bác Ái thông qua “dân vận khéo”, khuyến khích người dân địa phương nhân rộng các mô hình trồng trọt. Tại 3 xã Phước Tiến, Phước Thắng, Phước Thành, Hội Nông dân huyện đã giúp xây dựng mô hình trồng rau xanh cho 32 hộ dân. Nhiều nơi trong huyện, người dân đã chủ động tìm đựơc những cây chịu hạn thay thế, chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng hoa màu, ở xã Phước Tân còn xuất hiện những mô hình mới như mô hình trồng bưởi da xanh và trồng rau. Nhìn chung, những kết quả bước đầu của phong trào dân vận khéo đã góp phần tích cực vào hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Bác Ái (giảm 8 % trong tổng số hộ nghèo).

Trong thời gian tới, bên cạnh kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng và xã hội, MTTQ Việt Nam huyện Bác Ái tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và nhân rộng những cách làm mới, mô hình hay trong sản xuất. Trọng tâm là thực hiện “dân vận khéo”, tiếp tục động viên đồng bào phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần vào thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.