Nhật ký Hải trình “Trường Sa thân yêu”

Niềm tin theo những con tàu

(NTO) Lễ xuất quân tiễn đoàn cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) ra công tác trên quần đảo Trường Sa tại cầu cảng Cam Ranh (Tp. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) diễn ra trong không khí trang trọng nhưng ấm áp và đầy xúc động. Thân nhân các CB, CS ra huyện đảo làm nhiệm vụ lần này tuy bịn rịn trong giờ phút chia tay nhưng không quên lời hứa sẵn sàng là hậu phương vững chắc để các anh yên tâm công tác nơi mảnh đất phên giậu của Tổ quốc.

Các chiến sĩ lên tàu ra đảo.

Chị Trịnh Thị Hoài, là giáo viên tại xã Cam Thịnh Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa dẫn theo hai đứa con, cháu trai đang học lớp 5, cháu gái  học lớp 2, đi tiễn chồng, cha là Trung tá Lê Đình Lâm lên đường làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Đông. Trong cảm xúc bịn rịn, lưu luyến, ngân ngấn nước mắt, chị Hoài chia sẻ: Đây là lần đầu tiên anh Lâm đi công tác trên đảo, xa gia đình dài ngày. Trước đây anh công tác tại Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa ở gần nhà nên cũng thường về ăn cơm với mẹ con em. Nay anh lên đường làm nhiệm vụ trên đảo, xa gia đình thiếu người thân bên cạnh. Nhưng biết rằng anh em trên đảo rất đoàn kết, tình cảm nên em cũng rất yên tâm, mong anh giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ở nhà dù khó khăn đến mấy, mẹ con em cũng vượt qua được, anh cứ yên tâm.

Cũng ở cầu cảng, chúng tôi gặp anh Bùi Văn Đệ, quê ở Nam Định, đang tranh thủ tâm sự với người vợ là chị Trần Thị Thu Hương. Chị đã lặn lội từ quê hương Nam Định vào tận Cam Ranh tiễn chồng lên đường. Anh Đệ từng ba lần đi công tác trên các đảo Thổ Chu, An Bang, Đá Lớn nên sức vóc rắn rỏi, mạnh mẽ, tự tin. Anh tâm sự: Tuy đã nhiều lần chia tay đất liền đi công tác nhưng đây là lần đầu tiên có người thân đưa tiễn mình lên đường vì những lần trước vợ bận nhiều việc, lại chăm con nhỏ, nhà ở quê xa nên khó có điều kiện đi vào trong này tiễn chồng. Năm nay hai cháu đã lớn, vợ gửi con rồi vào đây tiễn mình tận cầu cảng nên mình rất vui và hạnh phúc. Trong không khí hối hả chuẩn bị lên đường, anh Đệ chỉ kịp nhắn với vợ đôi lời rồi khoác balô nhập vào hàng quân mạnh bước lên tàu.  

Với nhiều chiến sĩ, đây là lần đầu tiên ra công tác tại quần đảo Trường Sa,  nhưng đều khẳng định quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ quê hương để không phụ niềm tin mà Tổ quốc giao phó. Lên tàu, chúng tôi rất vui khi gặp chiến sĩ Trương Văn Dũng, một người con của quê hương Ninh Thuận. Nước da đen sạm, rắn rỏi và ánh mắt đầy tự tin, Dũng bộc bạch: Nhà em ở khu phố 4, phường Mỹ Đông, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Nhà có nhiều bà con đi biển đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa. Anh trai của em là Trương Văn Quốc từng tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc, làm bộ đội hải quân nên em theo anh tiếp tục tình nguyện ra Trường Sa để góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sau kỳ huấn luyện 9 tháng tại Hải quân Vùng 4, thật bất ngờ khi chỉ cách đây 3 tuần em nhận được thông báo ra làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Đông. Đây là một đảo nổi rất đẹp nên em rất háo hức được ra đảo làm nhiệm vụ. Nhân dịp này em muốn gửi lời chúc sức khỏe và lời nhắn gửi tới gia đình, người thân là em vẫn khỏe và hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cả nhà cứ yên tâm, đừng lo lắng nhiều cho em. Chiến sĩ Lộ Ngọc Vũ, dân tộc Chăm, ở huyện Ninh Phước cho biết: Được ra công tác tại quần đảo Trường Sa là niềm vui và hạnh phúc của bản thân. Em xin hứa sẽ vượt mọi gian khổ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Tổ quốc giao.

Tàu nhổ neo rẽ sóng thẳng tiến ra Trường Sa. Dòng người tiễn đoàn đứng vẫy tay nhìn theo cho đến khi đoàn tàu khuất hẳn. Hệ thống loa phát thanh trên tàu vang lên lời bài hát “Nơi ấy là Trường Sa” của tác giả Xuân Nghĩa, cổ vũ CB, CS ra Trường Sa để làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mang theo niềm tin, hơi ấm từ đất liền ra biển đảo quê hương.