Đến với bài thơ hay: Cửa sổ mái trường

Cửa sổ mở ra
Là giờ vào học
Lật trang tập đọc
Tia nắng ùa vào

Tiếng trẻ lao xao
Vọng ra khung cửa
Tiếng cô ngọt ngào
Đọng vào trang vở

Đến giờ khép cửa
Mái trường lặng im
Chỉ còn tiếng chim
Nói lời tạm biệt.
Nguyễn Trọng Tuất
 
Viết cho thiếu nhi, hầu hết nhà thơ đều dồn tâm lực, thâm canh đề tài về học trò, thầy cô. Không là ngoại lệ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tuất mới cho ra đời tác phẩm “Cửa sổ mái trường” tặng các bạn đọc nhỏ tuổi đáng yêu đang náo nức chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Cửa sổ mở ra
Là giờ vào học
Lật trang tập đọc
Tia nắng ùa vào.
Đẹp biết bao, hình ảnh bàn tay nhỏ xinh vừa “lật trang tập đọc” là ngay lập tức “tia nắng” mướt mát buổi mai như đã chờ đợi sẵn từ lâu cùng “ùa” tràn vào trang sách, dòng nối dòng thêm đẹp, chữ nối chữ thêm xinh. Chữ “ùa” thật hay. “Ùa” là di chuyển nhanh, với số lượng nhiều. Nắng “ùa”– cuộc đua marathon- đang đến đích, nhanh như ánh sáng, ta tưởng như từng trang, từng trang sách lật gấp là cổ động viên, reo hò, tràn đầy niềm vui và nụ cười, cổ vũ! 
“Tia nắng” ở đây đâu chỉ nói về tia nắng phát ra từ mặt trời vũ trụ. Phải chăng còn là nắng sáng tỏa ra từ những chữ cái a, b, c? Nắng của những phép trừ, phép cộng mà tuổi thơ được tiếp nhận buổi đầu đời? Nắng ấm, nắng tình thương của thầy, của cô cưu mang “ùa vào” tâm hồn trắng trong con trẻ? 
Tiếng trẻ lao xao
Vọng ra khung cửa
Tiếng cô ngọt ngào
Đọng vào trang vở.
Tiếng “lao xao” của đàn con trẻ vọng ra từ “khung cửa” lớp học, vọng lên thành thơ, mới thật đẹp, mới thật đáng yêu làm sao! Đó là tiếng ồn ào nhưng là ồn ào phát ra từ cái đẹp ẩn giấu, ồn ào gắn với nhộn nhịp của sự sống sinh sôi? Có lẽ trong mọi thứ tiếng động phát ra trong không gian, “lao xao” (tính từ) bao giờ cũng nghiêng về diễn tả chất sống, niềm tin? 
Tất cả tình yêu thương được nương náu được dồn vào từ “ngọt ngào”, từ “đọng”, năng lượng thẩm mỹ của một tính từ, một động từ tiếng Việt! 
“Tiếng cô ngọt ngào/Đọng vào trang vở”. Tiếng “ngọt ngào” của cô “đọng” vào trang vở học trò hôm nay, ai mà không mơ tưởng, sẽ được chuyển hóa thành tri thức, tỏa sáng ngày mai, tỏa sáng tương lai?
Cũng là “tiếng” được phát ra, nhưng qua cảm quan nghệ thuật của tác giả, mỗi thứ “tiếng” ở đây có đời sống riêng, tâm hồn riêng. “Tiếng trẻ” thì “vọng ra”, “tiếng cô” lại “đọng vào”. “Lao xao” là của trẻ. “Ngọt ngào” là của cô…
Ta đang say sưa với tình yêu thương ngọt ngào không cưỡng được thì nhà thơ đã dẫn dắt ta về với đoạn kết:         
Đến giờ khép cửa
Mái trường lặng im 
Chỉ còn tiếng chim
Nói lời tạm biệt
Người dễ tính có thể câu kết dừng lại ở “mái trường lặng im”, nhưng với nhà thơ cao tay viết cho thiếu nhi, vì thiếu nhi thì không thể, nhà thơ sử dụng biện pháp nhân hóa, cú thăng thiên rất ngoạn mục này: “Chỉ còn tiếng chim/Nói lời tạm biệt”. 
Chim không thể vắng bóng với mái trường, lại càng không thể vắng bóng với con trẻ! Một liên tưởng thật đẹp: tiếng “lao xao” của con trẻ “vọng ra” qua khung cửa sổ lớp học lại được hóa thân kết thành bè bạn yêu thương thân thiết, tâm tình, trò chuyện với chim trời! 
Nhân văn và cao đẹp biết mấy là “Tiếng cô ngọt ngào/Đọng vào trang vở”. Trang vở mà có lần một nhà thơ đã từng ước hẹn: “Trang vở thơm những đợi mong/Viết lên khát vọng ươm mầm tương lai” (“Tựu trường”- Đặng Quang Sơn).