Cô giáo Lê Thị Lệ Thủy hết lòng yêu thương học trò

(NTO) Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Đà Lạt năm 2005, cô giáo Lê Thị Lệ Thủy (ảnh) (sinh năm 1983) chính thức về giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Thuận Bắc. Qua hơn 11 năm gắn bó với trường, cô luôn tận tụy với công việc chuyên môn và hoạt động trong trường, được đồng nghiệp và học sinh yêu quý. Tháng 6-2011, cô vinh dự được kết nạp vào Đảng, trở thành đảng viên trẻ năng nổ của chi bộ nhà trường.

Trò chuyện với chúng tôi, cô cho biết đến bây giờ vẫn còn nhớ cảm giác bỡ ngỡ ban đầu khi về trường công tác, bởi phải dạy học trong môi trường học sinh toàn con em đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên chỉ sau thời gian tiếp xúc, cô nhận ra các em thật dễ thương và đều có cuộc sống gia đình khó khăn. Nhiều em vào trường cứ khóc lóc vì nhớ nhà. Cô suy nghĩ trách nhiệm mình là phải gần gũi, chia sẻ tình cảm và nắm bắt tâm tư các em.

Cô giáo Lê Thị Lệ Thủy.

Trong quá trình giảng dạy bộ môn Ngữ văn, cô tìm phương pháp giải nghĩa, sử dựng từ ngữ địa phương cho các em dễ hiểu. Ngoài trực tiếp ở lớp, cô còn tranh thủ giờ nghỉ trưa đến phòng ở các em để hướng dẫn học tập. Bằng những nỗ lực trên, học sinh các lớp đã không phụ lòng yêu thương của cô, dần dần khắc phục lỗi chính tả. Bên cạnh chăm lo lớp học, cô còn tiên phong trong các phong trào, tham gia dạy các tiết chuyên đề mẫu, có nhiều sáng kiến, cải tiến trong việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. Năm học 2016-2017, cô đoạt giải Ba cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn cấp tỉnh. Nhiều năm liền cô được nhà trường công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở; năm học 2014-2015, cô được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Hiện nay, cô Lệ Thủy là giáo viên chủ nhiệm lớp tám một (81). Lớp học có sĩ số 32 học sinh, trong đó có 29 học sinh dân tộc Raglai và 3 học sinh Chăm. Để các em yên tâm học tập, cô luôn giữ mối liên hệ với phụ huynh và tôn trọng các ý kiến đóng góp của họ. Trường hợp có học sinh học yếu hoặc hay nhớ nhà, cô gặp gỡ phụ huynh trao đổi và liên lạc Chi hội Phụ huynh, chính quyền xã nhờ hỗ trợ vận động. Đơn cử đầu năm học này, trong lớp do cô làm chủ nhiệm có trường hợp 1 học sinh dân tộc Raglai ở xã Phước Chiến, có ý định bỏ học vì nghe bạn bè rủ rê đi làm kiếm tiền. Nhưng nhờ kịp thời phối hợp với chính quyền và Chi hội Phụ huynh xã, cô đã vận động thuyết phục, hiện học sinh trên đã trở lại trường lớp, đi học bình thường. Để kích thích, tạo hứng thú cho các em học hành, trong khi giảng dạy, cô lồng ghép các trò chơi, chuyện kể, xây dựng viễn cảnh tương lai của các em. Nhờ vậy các học sinh học yếu đã cố gắng vươn lên, tiến bộ thấy rõ.

Là một giáo viên có nghiệp vụ chuyên môn vững vàng, nhiều năm liền cô giáo Lê Thị Lệ Thủy tham gia tuyển chọn, bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi trong trường, giúp nhiều học sinh được công nhận là học sinh giỏi cấp huyện. Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Sáng, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường, bên cạnh công tác giảng dạy, cô giáo Lệ Thủy còn tích cực tham gia các phong trào Đoàn, Công đoàn của trường. Từ khi về dạy tại đây, năm học nào cô cũng được Ban Giám hiệu đánh giá là giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt mới đây, cô được Ban Thường vụ Huyện ủy Thuận Bắc biểu dương là điển hình giáo viên đạt nhiều thành tích trong thi đua dạy tốt, học tốt qua thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.