Phát hiện bản đồ cổ về tỉnh Ninh Thuận khắc trên Mộc bản triều Nguyễn

(NTO) Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Tp. Đà Lạt (Lâm Đồng) hiện đang bảo quản 34.619 bản khắc tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 30-7-2009. Đây cũng chính là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam.

Trong quá trình khảo sát, tra tìm tài liệu lưu trữ phục vụ cho việc công bố giới thiệu tài liệu, chúng tôi đã tìm được tấm Mộc bản khắc bản đồ tỉnh Ninh Thuận, trong đó có những địa danh, núi non, sông ngòi được thể hiện rất chi tiết. Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả tài liệu quý này.

Tấm Mộc bản khắc bản đồ cổ đạo Ninh Thuận mang ký hiệu số 25126, được khắc theo lối dương bản. Về kích thước, tấm bản đồ có chiều dài 41,2 cm, chiều rộng 24,8 cm, độ dày 3,5 cm, kích thước khổ khuôn in 32 x 24 cm.

Theo các nguồn thư tịch cổ, địa danh hành chính Ninh Thuận lần đầu được xuất hiện vào năm Nhâm Thìn niên hiệu Minh Mạng thứ 12 (1832). Trong hai năm 1831 và 1832, để nhất thể hóa các đơn vị hành chính trên quy mô toàn lãnh thổ, vua Minh Mạng đã thực hiện công cuộc cải cách hành chính, bỏ các tổng thành trấn, đổi tên các dinh trấn thành tỉnh và tiến hành chia đặt các tỉnh. Và phủ Ninh Thuận được xuất hiện trong tỉnh Bình Thuận.

Qua nghiên cứu tấm Mộc bản triều Nguyễn, có thể nhận thấy vị trí địa lý của đạo Ninh Thuận được khắc rõ như sau: Về phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp với Sơn Man và phía Đông giáp với biển. Về các địa danh khắc trên bản đồ gồm có: sông Phan Rang, đầm Hương Cựu, cửa Ma Văn, cửa Phan Rang…

Mặc dù chưa thể khẳng định tấm bản đồ khắc về đạo Ninh Thuận nằm trong khối Mộc bản triều Nguyễn được khắc vào năm nào nhưng qua việc tìm hiểu cách gọi tên và việc tìm hiểu tên các địa danh được khắc trên tấm bản đồ, có thể xác định được tấm bản đồ này chắc chắn được khắc sau năm 1832. Bởi vì năm 1832, vua Minh Mạng mới cho đặt tỉnh. Nhưng để có thông tin năm khắc chính xác nhất tấm Mộc bản khắc bản đồ đạo Ninh Thuận cần phải nghiên cứu thêm.

Và một điểm đặc biệt trên bản đồ đạo Ninh Thuận, đó là có sự xuất hiện của khu vực Đà Lạt và vùng phụ cận được ghi 3 chữ là “Lâm Sơn phần”. Như vậy, dưới triều Nguyễn, tỉnh Ninh Thuận có địa bàn rất rộng lớn.

Có thể nói, việc triều Nguyễn cho khắc in bản đồ Ninh Thuận cho thấy vị trí trọng yếu của vùng đất này khi xưa. Tấm bản đồ nhằm cung cấp thêm một nguồn sử liệu giúp các nhà nghiên cứu, độc giả có cái nhìn đầy đủ hơn khi tìm hiểu về vùng đất Ninh Thuận, đặc biệt là về mặt địa giới hành chính, trong đó có thời kỳ địa bàn này có tên gọi là đạo Ninh Thuận.

--------------------

Tài liệu tham khảo

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, năm 2004.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, 2012.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Nxb Thuận Hóa, 1994.

4. Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.