Nghệ nhân Katơ Đôi với “Giấc mơ Chapi”

(NTO) Ông Katơ Đôi 65 tuổi là nghệ nhân duy nhất biết chế tác và biểu diễn thành thục đàn Chapi ở xã Phước Chiến (Thuận Bắc). Ông vừa mang tiếng đàn độc đáo của đồng bào Raglai địa phương ra Hà Nội tái hiện “Giấc mơ Chapi” tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam. Kỹ thuật chế tác và kỹ năng biểu diễn đàn Chapi của nghệ nhân Katơ Đôi được công chúng Thủ đô nhiệt liệt tán thưởng.

 
Nghệ nhân Katơ Đôi chế tác, biểu diễn đàn Chapi tiêu biểu ở xã Phước Chiến.

Cuối tháng sáu vừa qua, nghệ nhân Katơ Đôi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời tháp tùng cùng Đoàn nghệ thuật dân gian xã Phước Chiến ra Đồng Mô tái hiện nghi thức lễ bỏ mả và chế tác, biểu diễn đàn Chapi. Ông rất vui mừng vì đây là lần đầu tiên được ra thăm Hà Nội đồng thời biểu diễn Chapi đưa “lời ăn tiếng nói” của bản làng đến với công chúng Thủ đô. Trước đó, ông đã lặn lội lên Núi Xanh cách làng Động Thông ba giờ đi bộ để tìm chặt gốc tre già ngã màu vàng có đường kính 8-10 cm, đốt dài trên 40 cm, thân ngọn không tì vết. Ông đưa gốc tre già từ núi rừng Ninh Thuận ra Hà Nội chế tác đàn Chapi thu hút đông đảo công chúng đến xem. Ông dùng cây mác mũi nhọn khéo léo khoét vào cật tre bật lên thành 12 dây, mỗi dây cách nhau khoảng 1 cm. Đặt chốt tre nhỏ ở hai đầu dây nâng cao hơn thân đàn khoảng 0,5 cm. Vót mảnh tre cật rộng bằng đầu ngón tay cái khoét rảnh nối từng cặp dây lại với nhau. Ở hai đầu thân đàn dùng dây mấu bện chặt có nhiệm vụ giữ căng dây đàn. Dùng dùi khoét thủng hai đầu ống tre tạo âm vang cho thân đàn. Sau khi cây đàn nên hình nên dáng thì nghệ nhân cân chỉnh âm thanh cho tiếng đàn Chapi có hồn có vía thể hiện “lời ăn tiếng nói” chân thành của tộc người Raglai. Đàn Chapi được nghệ nhân độc tấu hoặc hòa tấu cùng nhạc cụ mã la, khèn bầu trong các dịp ăn đầu lúa, cúng bỏ mả, hát múa mừng đón lễ hội truyền thống của bàn làng. Chiếc đàn Chapi cho nghệ nhân Katơ Đôi chế tác tại Đồng Mô cùng nhóm nhạc cụ dân tộc Mùa Xuân hòa tấu bài hát “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến được công chúng nhiệt liệt tán thưởng. Từ chuyến đi Hà Nội đã để lại bụng dạ nghệ nhân Katơ Đôi tình cảm thương quý của bạn bè các dân tộc yêu thích nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai tỉnh Ninh Thuận.

Ngay sau khi từ Hà Nội về lại Phước Chiến, nghệ nhân Katơ Đôi được mời xuống xã Vĩnh Hải hướng dẫn chế tác và biểu diễn nhạc cụ Chapi cho đồng bào Raglai ở hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang. Ông cũng đã dày công truyền dạy cho các anh Chamaleá Bê, Chamaleá Chén, Chamaleá Hồng ở xã Phước Chiến có khả năng biểu diễn thành thục Chapi. Nghệ nhân Katơ Đôi cho biết từ thuở nhỏ ông được người cha ruột là nghệ nhân Chamaleá La truyền nghề chế tác và biểu diễn Chapi. Suốt thời trai trẻ, ông tham gia bộ đội đánh Mỹ trên chiến trường Bác Ái Đông. Khi đất nước yên hàn, ông trở về bản làng làm ăn nuôi con và chăm lo gìn giữ nhạc cụ truyền thống của cha ông hơn 40 năm qua. Ông Katơ Đôi được hưởng chính sách bệnh binh mất sức 61% với mức trợ cấp 2,5 triệu đồng/tháng, kết hợp thu nhập từ làm rẫy và chăn nuôi gia súc bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, xây dựng nhà ở khang trang. “Còn sức khỏe là tôi còn tích cực chế tác, biểu diễn nhạc cụ truyền thống đưa “Giấc mơ Chapi” ngày càng lan tỏa sâu rộng trong đời sống đồng bào Raglai địa phương”, nghệ nhân Katơ Đôi chia sẻ.

Đồng chí Chamaleá Hiến, Chủ tịch UBND xã Phước Chiến nhận xét ông Katơ Đôi là một trong những nghệ nhân dân gian tiêu biểu ở địa phương. Ông đang được chính quyền địa phương phối hợp với Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành lập hồ sơ đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2017. Nghệ nhân Katơ Đôi đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai.