Viếng mộ

– Chị  ơi!
Chỉ gọi được thế thôi
Anh chiến sĩ đưa đường bỗng thấy nghẹn lời
Không làm sao anh còn nói nổi:
 – Chị đặt hoa nhầm rồi
Mộ anh ấy ở bên tay trái
Chỉ có một vòng hoa chị mang từ quê lại
Hoa viếng mộ bên này đã có chúng tôi!
 – Chị hiểu ý em rồi
Xin cho chị đặt hoa bên mộ đó
Cả cánh rừng chỉ có hai ngôi mộ
Viếng mộ anh có chị đến đây rồi.

                                           Trần Ninh Hồ

Lời bình

Có những bài thơ ám ảnh lay động tâm thức người đọc, ngay sau khi vừa đọc đến chữ cuối cùng. “Viếng mộ”-bài thơ của Trần Ninh Hồ với tôi thuộc vào trường hợp đó.

Cuộc sống, qua một lát cắt ở nghĩa trang liệt sỹ, tác giả bài thơ làm ta xúc động đến nao lòng.

Bài thơ với hai nhân vật. Một người vợ đến nghĩa trang thăm mộ chồng và người chiến sĩ dẫn đường.

Anh chiến sĩ dẫn đường nghẹn lời, “không làm sao anh còn nói nổi”. Bởi, trước một hành động quá bất thường đối với anh.

Anh chiến sĩ đưa đường “nghẹn lời” vì quá xúc động. Không xúc động làm sao được khi trên cánh rừng bao la đơn độc này, người vợ của đồng đội năm xưa từ quê xa băng rừng, lội suối đến viếng mộ người chồng “Gần nhau trong tấc gang mà biển trời cách mặt”.

Chị đặt hoa nhầm rồi

Mộ anh ấy ở bên tay trái

Chỉ có một vòng hoa chị mang từ quê lại

Hoa viếng mộ bên này đã có chúng tôi.

Anh chiến sĩ ngạc nhiên, trước việc làm quá khác thường của chị. Hoa không được đặt lên mộ chồng mà… ngược lại. Thế này là thế nào? Vòng hoa ấy là tấm lòng ân tình với người chồng, ẩn giấu bao niềm thương, nỗi nhớ được dồn nén từ lâu trong lòng chị, kết thành hương riêng, thành sắc riêng lan tỏa khôn cùng. Nhưng sao lại…?

Đây là mộ chồng mình. Còn người nằm dưới ngôi mộ lặng im kia? Cha mẹ còn hay mất; nếu còn, chắc các cụ đã đến tuổi “về chiều”, sức yếu, chân chậm, mắt mờ… làm sao các cụ có thể đến được tới chốn xa xăm này… gặp đứa con mang nặng, đẻ đau dù chỉ một lần thôi. Chị “xin” ai? Tại sao chị phải “xin”? Xin mọi người, trong đó có bạn, có tôi, chị ngỏ ý để được đồng tình cho tấm lòng của chị trước nghĩa cử này? Tôi còn nghe phảng phất trong đó nữa, lời “xin” lỗi tha thiết của người vợ thủy chung phút giây tâm tình riêng với người chồng ngàn lần yêu quý trong hư ảo khói hương? Trước mặt chị hiện lên rõ mồn một: hình ảnh người chồng mặt hướng về mình nở nụ cười tươi như năm nào, với bộ trang phục màu xanh, đầu đội mũ đính ngôi sao vàng năm cánh, hai tay rộng mở tiến về phía trước, ôm choàng lấy chị…

Và một quyết định như đinh đóng cột: đặt vòng hoa lên mộ đó… Hai tay chị nâng niu đặt vòng hoa thành kính lên mộ người đồng chí, đồng đội của chồng mình. Chị như tự phân trần: “Viếng mộ anh có chị đến đây rồi”. Một quá trình chuyển hóa tự bên trong. Câu nói đột biến, trĩu nặng suy tư. Câu nói và hành động bất ngờ làm sao! Cao thượng làm sao! Nhân văn làm sao! Lời chị bật ra chân thành đến buốt lòng, tưởng như thêm một dấu chấm than lay gọi, tất cả đến đây thật sự được giải mã, tất cả vỡ òa trong cái đẹp của tình đồng đội, tình người. Thế mới biết, nhà thơ hơn ai hết, hiểu thấu sâu sắc những điều sâu kín nhất tâm tư của con người biết bao, ngòi bút nhà thơ nhân hậu biết bao!

Anh chiến sĩ dẫn đường và cả ta nữa, tưởng chị “nhầm” nhưng hóa ra cái “nhầm” ấy chính lại thuộc về anh, về cả phía chúng ta! Một cái “nhầm” tuyệt đẹp xưa nay chưa từng có!

Chị hiện lên nét đẹp tiêu biểu người phụ nữ Việt Nam, người vợ hiền, thủy chung. Chị là vòng hoa bừng nở đẹp nhất, tươi thắm nhất trong nghĩa trang chiều buông tỏa nắng. Việc làm của chị giải tỏa mọi điều như bí ẩn. Chuyện một con người, qua ngôn ngữ thơ, trở thành nét đẹp văn hóa của một dân tộc, một thời đại mới.

Để có được độc lập, tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay, chúng ta tri ân các anh hùng liệt sỹ đã oai hùng trận mạc, họ về nằm yên nghỉ ngàn thu trong lòng đất mẹ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: “Nếu trên mộ mỗi người lính chỉ thắp một ngọn nến thì đêm đêm trên dải đất hình chữ S của chúng ta sẽ sáng rực lên như một dải ngân hà”.

Và các thế hệ chúng ta, con cháu chúng ta nguyện mãi mãi: “Hương khói đừng quên nấm mộ nào!” (Thăm mộ chiều cuối năm của Nguyễn Thái Sơn).