Chuyện “Điểm số của học trò”

(NTO) Ai cũng có thời cắp sách đến trường và đã là học trò thì được thầy cô giáo cho điểm số tốt bao giờ cũng là niềm hãnh diện. Xã hội ngày càng phát triển, việc đánh giá học trò theo hướng hoàn thiện hơn nhưng phương pháp cho điểm xem ra chính xác và thuyết phục hơn. Khổ nỗi điểm số của học trò giờ cũng có ba bảy kiểu để rồi chính cha mẹ học sinh nhìn vào bảng điểm chắc gì con mình học lực đúng như kết quả.

Có lần tôi hỏi đứa cháu gái học lớp ba, trường tiểu học điểm của thành phố: Con làm lớp trưởng hay lớp phó. Cháu biểu: Con làm tổ trưởng, lớp con, tụi bạn toàn con nhà “đại gia” với “đại ca”, chúng khó bảo lắm. Nghe vậy, tôi khuyên: Vậy con ráng né chúng ra. Tưởng cháu nghe lời, ai ngờ con bé hồn nhiên khoe: Nhưng con nói gì chúng nó đều nghe hết. Rồi bé vô tư kể: Chẳng là con học giỏi toán, tụi bạn muốn điểm giỏi phải nhờ con. Nhất là môn họa, con đoạt giải nhất cấp trường, cô giáo chủ nhiệm biểu con vẽ giúp các bạn…Và cháu cho biết thêm: Năm học này cô giáo biểu, muốn đạt học sinh xuất sắc cả năm thì tất cả các môn học các trò phải đạt điểm chín trở lên. Nghe chuyện tôi mới hiểu ra, cháu mình nhờ học giỏi lại hỗ trợ bạn làm bài nên nói gì dù bạn là con nhà “đại gia”,“đại ca” cũng nghe theo. Tôi kể lại cho mẹ cháu nghe, cô ấy biểu: Thứ bảy vừa rồi họp cha mẹ học sinh chuẩn bị cho tổng kết năm học em mới thực sự biết điểm số của học trò. Cháu học lớp chọn (lớp giỏi nhất của khối), trường tiểu học dẫn đầu tỉnh nhưng năm học này cô chủ nhiệm thông báo, lớp chỉ có mười sáu em xuất sắc, hai mươi lăm em tiên tiến. Trong số xuất sắc thực sự chỉ có chín em, bảy em cô phải nhờ giáo viên dạy tiếng Anh chấm lại bài thi để đạt điểm chín, tương tự một số em đạt tiên tiến cô chủ nhiệm phải “nhờ” giáo viên chuyên môn xem lại điểm môn hội họa.

Cấp tiểu học cần phải giáo dục toàn diện, vậy nên đạt học sinh xuất sắc hết sức khó bởi phải giỏi tất cả các môn học. Thế nhưng, bậc học trung học phổ thông cũng chẳng dễ dàng gì bởi chủ trương xét tuyển của các trường đại học bao gồm điểm học bạ, điểm tổng kết năm học lớp 12 và điểm thi tốt nghiệp. Thành thử, có dịp nghe các bậc cha mẹ học sinh năm cuối THPT bàn việc điểm số của con mình mói biết: Nào trường THPT top của tỉnh nhưng thầy cô giáo cho điểm nghiêm túc, hy vọng đậu đại học không cao, trường THPT ven thành phố, thầy cô giáo thương học trò cho điểm nới tay khả năng đậu đại học năm nay sẽ cao…Và thông tin cho điểm học trò cũng là điều các bậc cha mẹ có con năm cuối trung học cơ sở lựa chọn thi vào trường THPT năm học tới. Bởi vậy cũng không khó hiểu, cha mẹ học sinh, học trò phải như thế nào để thầy cô cho mình điểm tốt khi vọng sẽ đậu đại học theo phương pháp xét điểm học bạ với điểm thi tốt nghiệp quốc gia THPT.

Những năm trước đây có tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp cũng bởi điểm số học trò không đúng như học lực. Và hiện nay có hay không hiện tượng sinh viên ngồi nhầm bậc đại học, bởi trên các trang mạng phản ánh việc thầy cô các trường đại học phàn nàn về tình trạng đầu vào đại học hiện nay thấp. Phải chăng có nguyên nhân từ điểm số của học trò, mà xuất phát điểm là bệnh thành tích của học trò, cha mẹ học sinh và của nhà trường. Điểm số ảo của học trò không chỉ kìm hãm chất lượng dạy và học mà còn gây lãng phí cho gia đình, xã hội. Trả lại điểm số thực cho học trò để lứa tuổi học đường mãi trắng như tờ giấy tinh khôi là trách nhiệm trước hết của cha mẹ học sinh, của Nhà trường và xã hội. Có như vậy thì sự nghiệp giáo dục-đào tạo mới thực sự trở thành quốc sách hàng đầu đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên cách mạng 4.0 thời hội nhập toàn cầu hóa./.