Ngành Tài nguyên và Môi trường: Góp phần tích cực phát triển kinh tế của tỉnh

Đồng chí Bùi Anh Tuấn
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

(NTO) Với nhiệm vụ được giao là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT) gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển; quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ công về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của sở. Qua 25 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tập thể lãnh đạo, cán bộ của Sở TN&MT đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác chuyên môn, luôn học hỏi, sáng tạo tìm phương pháp quản lý hiệu quả nhất và từ đó đã đạt được một số thành quả quan trọng, góp phần đưa công tác quản lý tài nguyên trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp, nhiều giải pháp bảo vệ môi trường được quan tâm, triển khai thực hiện.

Về công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đơn vị đã tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 1.172 tổ chức/2.648 vị trí đất/174.333,64 ha, đạt 100%; đối với hộ gia đình, cá nhân, đã cấp GCNQSDĐ 58.404,16 ha/59.185,39 ha, đạt 98%; đã có trên 90% thửa đất đang sử dụng trên địa bàn tỉnh được kê khai đăng ký theo quy định của pháp luật. Nổi bật trong công tác quản lý khoáng sản, tính đến nay, hoạt động khoáng sản đã đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu cho việc phát triển kinh tế- xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm, giảm thiểu các tác động tiêu cực do hoạt động khoáng sản gây ra, nhất là môi trường. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 139 Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền trên 694,3 tỷ đồng, góp phần tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Đã phối hợp thực hiện việc khoanh định khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường sự quản lý Nhà nước, tạo ra hành lang pháp lý cho việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời đảm bảo sự cân đối các mục tiêu, lợi ích giữa khai thác khoáng sản phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với các lợi ích, mục tiêu của các đối tượng cần bảo vệ; tăng cường đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế hài hoà với bảo vệ môi trường; làm căn cứ cho công tác lập quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản hàng năm và các kỳ quy hoạch của các cơ quan quản lý Nhà nước; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các khu vực cấm hoạt động khoáng sản để quản lý, bảo vệ và phát huy vai trò, giá trị của các khu vực này.

 
Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Để tạo điều kiện triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, ngành đã tham mưu, thực hiện tốt công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã từng bước được tham mưu điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật, đảm bảo tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư luôn được quan tâm thực hiện, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật. Theo đó, đã thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh cho 326 dự án với tổng diện tích thu hồi là 4.462,54 ha của 19.826 hộ, tổng số tiền bồi thường hỗ trợ là 2.259,89 tỷ đồng.

Tại thời điểm tái lập tỉnh ngày 1-4-1992, công tác đo đạc trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có hệ thống bản đồ địa chính chính quy (bản đồ địa chính dạng giấy, có tọa độ), thời điểm này chỉ có một vài xã, phường được đo vẽ bản đồ giải thửa theo Chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ và theo hệ tọa độ giả định và chỉ đo một phần diện tích đất nông nghiệp; về bản đồ địa hình trên địa bàn tỉnh chỉ có bản đồ địa hình UTM của Mỹ được lập ở dạng giấy có tỷ lệ 1/50.000. Với hiện trạng hồ sơ địa chính như vậy, công tác quản lý nhà nước về đất đai gặp rất nhiều khó khăn do thiếu tài liệu để quản lý, khai thác và sử dụng vào các mục đích: Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, giải quyết tranh chấp đất đai, thống kê, kiểm kê đất đai… Nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, đến năm 2015, đã hoàn thành công tác đo đạc lập bản đồ địa chính đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Dự kiến đến năm 2020, sẽ hoàn thành toàn bộ cơ sở dữ liệu địa chính để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp thông tin đất đai; bộ cơ sở dữ liệu địa chính được kết nối đồng bộ từ Trung ương đến địa phương góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương và nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ được ngành luôn chú trọng. Việc giải quyết luôn bảo đảm về trình tự, thẩm quyền và quy định của pháp luật; công tác hòa giải trong nội bộ nhân dân tại cơ sở có nhiều chuyển biến, đã hạn chế được những vụ việc phát sinh, phức tạp, không để xảy ra điểm nóng và nguy cơ phát sinh điểm nóng. Công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai, TN&MT trong những năm qua được tiến hành thường xuyên, kịp thời và đạt chất lượng; đã ngăn chặn và xử lý kịp thời những sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai, TN&MT, đưa công tác quản lý, khai thác, sử dụng TN&MT vào nền nếp, có hiệu quả.

Các lĩnh vực chuyên môn khác như về môi trường, ngành đã tập trung thực hiện tốt công tác kiểm soát ô nhiễm, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động quan trắc môi trường, đã ghi nhận, phát hiện và cảnh báo kịp thời các điểm phát sinh ô nhiễm, qua đó giúp các đơn vị chức năng tham mưu, đề xuất các biện pháp quản lý góp phần giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh. Về công tác tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, ngành tham mưu đầy đủ việc cấp phép về lĩnh vực tài nguyên nước kịp thời, đúng quy định. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước đối với các đơn vị khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất theo đúng quy định. Phối hợp với huyện Thuận Nam, Ninh Phước và Thuận Bắc khảo sát tìm kiếm nguồn nước dưới đất để tổ chức khai thác phục vụ nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân các vùng hạn hán và thiếu nước…

Nhìn chung, qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, Sở TN&MT đã không ngừng cố gắng cải thiện, đề ra nhiều giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị trực thuộc sở, tiếp tục đưa Văn phòng Đăng ký đất đai, Trung tâm Phát triển quỹ đất theo mô hình “một cấp” đi vào hoạt động hiệu quả. Duy trì việc giao ban hằng tháng với cơ quan TNMT các huyện, thành phố; tổ chức làm việc với UBND cấp huyện hàng quý để phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tăng cường công tác quản lý đất đai theo quy định pháp luật, nhất là kiểm tra, đề xuất xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các dự án đã giao đất nhưng không triển khai, chậm tiến độ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để đẩy mạnh việc áp dụng phần mềm văn phòng điện tử tại phòng TN&MT và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên tất cả các lĩnh vực của ngành. Đặc biệt, nâng cao việc đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và rèn luyện về phẩm chất, đạo đức cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác quản lý TN&MT nhằm mang lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho Nhân dân... Với những thành quả đã đạt được sẽ là điều kiện để ngành phát triển cao hơn trong giai đoạn mới.