Chuyện "Chàng khờ"

(NTO) Đứa cháu gái mới học lớp ba không hiểu sao lại thích chuyện người lớn. Có lần cháu hỏi: Cậu hai à, chàng khờ là thế nào vậy? Tôi nói cho qua chuyện, khờ là như …à, đại loại giống hài tết tú Ông đổi con bò cho thằng Bờm lấy nắm xôi, bữa cậu cháu mình xem ấy.

Nghe, cháu bảo không phải vậy? Lại chuyện gì đây! Tôi nghĩ. Con bé biểu: Mẹ nói, ba cứ như chàng khờ ấy, đại khờ là đằng khác. Chà, chú em rể vốn tư chất thông minh, chu đáo trong mọi công việc vậy mà mẹ cháu biểu là chàng khờ. Thật hư ra sao phải hỏi cô em gái cho ra nhẽ.

Ngày nghỉ, chú em rể bận công việc cơ quan, hai đứa con đều đi học thêm, tôi có dịp tìm hiểu em gái mình về chàng khờ. Cô kể cứ như tiểu thuyết tình cảm vậy. Anh hai biết đấy, hồi mới quen nhau có người mách em ảnh “bôn sê vích” (người cộng sản Mác xít) lắm. Ảnh chỉ biết có công việc chung, may mà em giao thêm việc kèm cặp các con học hành. Hồi đó, lấy nhau được gần năm, thị xã có chủ trương cấp đất không thu tiền cho đối tượng có công với nước, cán bộ, công nhân viên chưa có nhà ở. Khu Thương nghiệp cấp ba vừa giải tỏa, cách nhà chỉ chừng ba trăm mét, mặt tiền đất Đông và Đông nam, hướng tốt cho nhà ở. Em biểu: Anh nói ba xin thị xã cấp cho vợ chồng mình một lô. Cha anh là lão thành cách mạng, cụ chỉ cần nói một câu lãnh đạo nào nỡ chối từ. Ảnh nói gì anh hai biết không? - Chúng mình ở chung nhà với cha mẹ (nhà cấp 4 trên 25 năm, quá chật hẹp), lại có chút đất trồng rau nuôi gà, xin cấp đất ai coi được. Rồi ảnh nói rằng, ở cơ quan em, cơ quan anh, có biết bao nhiêu cặp vợ chồng xin thuê nhà, cấp đất ở đã hàng chục năm nhưng chưa được, mình thế này là tốt lắm rồi. Thôi thì lúc đó ảnh xử sự như thế cũng hợp thời nhưng cái vụ đất vàng sau tái lập tỉnh ở trung tâm thành phố, ảnh không lo được một lô đến giờ em cứ tiếc hoài. Chẳng là, anh giám đốc chỗ thân quen trong lần đến thăm vợ chồng gợi ý: Gia đình hai ba thế hệ ở chung thế này bất tiện lắm, cậu làm đơn gởi lãnh đạo tỉnh duyệt mình sẽ ưu tiên bố trí cậu lô đẹp nhất, chỉ phải trả trước 10% giá trị, còn lại trả dần trong mười năm. Ảnh nói: Lương hai vợ chồng mình chỉ đủ sống lấy đâu để trả dần. Anh bạn gợi ý: Nếu cậu không sử dụng chỉ cần có quyết định cấp lô đất sang tay cũng kiếm gấp đôi giá trị; còn tiền trả ư, thế chấp ngân hàng quyết định cấp đất để vay vốn trả. Đúng lúc "thiên thời địa lợi" để lo cho vợ con, dù bạn bè tận tình phân tích góp ý nhưng ảnh biểu, không làm được! Nhiều người tìm đủ cách để mua được ít nhất một lô, có người giỏi chạy mua tới hai ba lô đất, giờ bán theo giá thị trường họ giàu to. Đấy anh hai thấy chưa, lần đầu tạm gọi ảnh là chàng khờ còn sau này thì đúng là chàng đại khờ. Mình không sai phạm gì, là đối tượng ưu tiên được mua đất theo chính sách, cứ nghe lời vợ thì giờ kinh tế gia đình đâu kém ai…!!!

Nghe cô em kể chuyện mới thấu hiểu cái “khờ” mà đứa cháu gái hỏi liên quan đến cha mình. Tôi biểu, thế giờ cô thích chú nó khôn hay khờ? Không đi vào câu hỏi, cô cho biết, sau này ảnh đã biết làm thêm giúp vợ con. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, ngoài giờ làm việc ảnh tham gia tư vấn thành lập doanh nghiệp, quyết toán thuế doanh nghiệp, thu nhập không nhiều nhưng cũng đủ trang trải cho gia đình. Thấy tôi cười mỉm, cô em gái như hiểu ý tiếp tục: Cũng may ảnh “khờ” chứ “khôn” chắc gì em đã có ảnh. Rồi cô cười thật tươi, khoe chuyện cháu hỏi cậu hai là vì lúc cả nhà cùng vui em hay chọc anh ấy rằng, cha con vốn khờ may mà gặp được mẹ khôn!

Nhân kỷ niệm ngày thành lập cơ quan, tôi kể chuyện “chàng khờ” góp vui. Ai dè mọi người bàn luận, biết thế nào là đủ, là đúng tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi người nhưng khờ bởi biết lo cho người khác, không tư túi cá nhân thì thật đáng để chúng ta suy ngẫm. Bây giờ thì tôi có thể trả lời với cháu gái mình rằng, “chàng khờ” như cha cháu chính là những người hạnh phúc nhất!