Dùng sả chữa bệnh

(NTO) Sả là cây trồng phổ biến khắp nơi thường dùng làm gia vị như tẩm ướp thịt cá, nấu trong món ăn, khử mùi tanh, làm món ăn thơm ngon, dễ tiêu, ngừa ngộ độc thức ăn gây rối loạn tiêu hóa.

Trong Đông y, sả có tên là hương mao, vị the cay, hơi đắng, mùi thơm, tính ấm, có công dụng làm ra mồ hôi, thông tiểu, tiêu thực, trị đau bụng tiêu chảy, nôn mửa… Dân gian thường dùng sả để chữa cảm sốt, đầy bụng tiêu chảy, gội đầu cho sạch trơn tóc, ngừa các bệnh của tóc và da đầu, khử mùi hôi, xua đuổi côn trùng như ruồi muỗi, bọ chét…

Một số bài thuốc từ sả như sau:

• Nồi lá xông cảm: Dùng lá sả là một trong các loại lá xông chủ yếu, phố hợp với 4-5 loại lá khác như bạch đàn, ngũ trảo, lức lan, lức bụi, é, tía tô, húng đứng, húng dũi, cam, chanh, bưởi, quít, mãng cầu xiêm… để xông làm ra mồ hôi chữa cảm cúm, hạ sốt, đau đầu, giải độc, sát trùng ngoài da, chuyển hóa khí huyết sau khi sinh…

• Chữa đau bụng tiêu chảy do ăn uống ngộ độc: Dùng 3-4 củ sả xắt lát, thêm 1 chén ½ nước đem nấu sôi, chia uống 3-4 lần trong buổi, uống 2-3 đợt trong ngày.

• Chữa tiêu chảy do lạnh bụng: Củ sả xắt lát 10-20 g, gừng nướng sơ 10-15 g, búp ổi non 10-15 g, thêm 1 chén ½ nước sắc đậm chia uống 2 lần trong buổi.

• Ho khan do cảm lạnh: Củ sả 40 g, gừng tươi 40 g, xắt lát, thêm ½ lít nước nấu sôi 10 phút, cho vào 1 muỗng canh đường cát hoặc đường phèn, tiếp tục nấu nhẹ lửa cô lại cho đậm đặc, mỗi lần 1 muỗng cà phê ngậm nuốt từ từ, ngày làm 5-7 lần.

• Trẻ con bị chàm mặt, chàm sữa: Củ sả giã nát, lấy nước xoa xát lên chỗ chàm, ngày làm 2-3 lần.

• Tắm gội cho thơm, vệ sinh cơ thể, ngừa rôm sẩy, nhọt độc: Lá sả, lá bưởi, lá é, bồ kết, mỗi thứ 15-20 g, nấu với 5-10 lít nước để tắm gội, ngày 1 lần.

• Xua đuổi ruồi muỗi, khử mùi hôi: Dùng lá sả héo đốt hun khói hoặc dùng dầu sả phun tẩm khu vực cần làm.