Gieo chữ nơi vùng cao

(NTO) Dù còn nhiều khó khăn nhưng những giáo viên miền núi trong tỉnh vẫn ngày đêm bám lớp, bám trường, ươm cho những con chữ nảy mầm ở vùng cao.

Vượt qua quãng đường hơn 70 km từ Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, chúng tôi tìm đến Trường PT DTBT TH Phước Bình B, ngôi trường nằm tựa lưng vào Vườn Quốc gia Phước Bình. 100% học sinh là người dân tộc Raglai. Thầy giáo Dương Văn Châu, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Trường có 15 cán bộ, giáo viên, hầu hết là ở xa tới, đa phần đều rất trẻ và chưa có gia đình, có người quê tận miền Bắc. Những ngày đầu khi mới tới đây, khó khăn về cơ sở vật chất, ngôn ngữ và điều kiện đi lại đã phần nào làm nản lòng những giáo viên trẻ. Songchứng kiến các em học sinh dân tộc thiểu số vì mong muốn được đi học “con chữ” nên dù nắng hay mưa vẫn đều đặn đến lớp đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của thầy, cô giáo, thôi thúc họ phải cố gắng hơn nữa.

Giờ lên lớp của cô giáo Lê Thị Tuyết Nhung, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Phước Bình B.

Cô giáo Lê Thị Tuyết Nhung giờ đã trở thành người con của thôn Hành Rạc khi cô xây dựng gia đình ở địa phương này. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, năm 2008, cô giáo Nhung vào Trường PT DTBTT TH Phước Bình B dạy học. Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào trường, cô không khỏi xúc động: “Lần đầu tiên xa nhà và cũng lần đầu tiên biết đến Ninh Thuận. Vào đây dạy học, bản thân có một mình, không người thân thích, công tác ở một nơi khó khăn nhất của tỉnh, trường ở xa trung tâm, đi lại rất khó khăn, nhất là những ngày mưa gió đường lầy lội, trơn trượt, khi lũ về là bị chia cắt không thể đi lại được làm mình cảm thấy rất cô đơn, nản lòng, nhớ nhà và chỉ muốn quay trở về nhà”. Tuy cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn và nghèo khó, nhưng được biết có “cái chữ” là để cuộc sống sau này của các em sẽ đỡ vất vả hơn. Vì thế, các em học sinh và người dân luôn coi các thầy, cô giáo như những người thân trong nhà. Mỗi khi có sản phẩm “cây nhà, lá vườn” như mớ rau, nải chuối, trái mít…, người dân đều để dành và mang tặng, nhiều gia đình còn mời các thầy, cô giáo về nhà cùng ăn cơm với gia đình, tuy đạm bạc nhưng ấm áp không khí gia đình đã phần nào khỏa lấp đi nỗi nhớ nhà… Và cũng chính những tình cảm quý mến chân thành ấy của người dân đã “tiếp lửa” cho lòng yêu nghề của các thầy, cô giáo vượt qua khó khăn để bám trụ với lớp, với trường.

Nếu so với những năm về trước thì việc truyền thụ kiến thức cho học sinh người dân tộc thiểu số nơi đây kể cả việc duy trì sĩ số HS, nay đã thuận lợi hơn rất nhiều. Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn; hơn nữa, do phần lớn các em HS người dân tộc không biết tiếng phổ thông đã dẫn đến khá khó khăn trong việc lên lớp của các thầy, cô giáo cùng với việc tiếp thu bài của HS nên chuyện một số em tự nhiên bỏ học là chuyện thường, những lần như vậy giáo viên của trường lại đi thuyết phục các em trở lại lớp. Phải đến tận nhà động viên các em mới chịu đến trường. Thấy các thầy, cô giáo nhiệt tình nên gia đình đồng ý cho con tiếp tục đến trường, đến nay đã không còn tình trạng HS bỏ học giữa chừng.

Trường PT DTBT TH Phước Bình B được thành lập từ năm 2003, trên cơ sở tách ra từ Trường TH Phước Bình, với 5 lớp học/72 HS. Tuy cơ sở vật chất hiện nay đã xuống cấp như nhà hiệu bộ, khu nội trú của giáo viên và HS… nhưng bằng lòng nhiệt huyết của mình, những thầy, cô giáo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ… hàng ngày miệt mài gieo từng con chữ trên mảnh đất còn nghèo khó này. Khó khăn, gian khổ đã trở nên quá quen thuộc với các thầy, cô giáo nơi đây. Trái tim yêu nghề, thương những đứa trẻ vùng cao đã cho họ sức mạnh và tinh thần để vượt qua khó khăn và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người”. Hằng năm đã có nhiều thầy, cô giáo được công nhận đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” các cấp và hiện nay nhà trường đang hoàn chỉnh các thủ tục để chuẩn bị đón nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Con đường đến với Trường TH Tà Nôi (xã Ma Nới, Ninh Sơn) hành trình cũng gian nan, vất vả vào những ngày mưa cuối năm. Theo chân các thầy, cô giáo đến với ngôi trường này chúng tôi càng thêm thấu hiểu về giá trị của sự cống hiến. Vượt qua những dốc núi và 3 con suối với những chiếc xe đã được độ chế thêm vòng xích ở bánh để tránh trơn trượt để đến được trường, mặc dù từ trung tâm xã Ma Nới đi lên thôn Tà Nôi chỉ khoảng 10 km nhưng các thầy, cô giáo phải mất gần 3 giờ đồng hồ mới đến nơi. Do điều kiện đi lại khó khăn nên các giáo viên của trường đều phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm tích trữ để dùng cho cả tuần tại trường. “Ngày đầu mới lên đây nhận công tác mình rất nản lòng vì điều kiện đi lại, ăn ở rất khổ cực. Trong những ngày khó khăn đó, người dân xung quanh luôn quan tâm và giúp đỡ, cần gì là họ giúp nấy nên anh chị em giáo viên cảm thấy rất ấm lòng”-cô giáo Lê Thị Hồng Gấm nhớ lại những ngày đầu về công tác tại trường.

Thôn Tà Nôi tuy nằm không xa trung tâm xã, song điều kiện đi lại cực kỳ khó khăn, vất vả. Toàn thôn có 139 hộ, với 643 khẩu, nhưng có đến 81 hộ nghèo. Cuộc sống của người dân còn khó khăn, dù cực khổ nhưng các em vẫn mong muốn được đi học biết “con chữ” và hàng ngày trên những đôi chân trần dù nắng hay mưa vẫn đều đặn đến trường, đến lớp. Vì vậy, trong những năm qua, sĩ số học sinh luôn được duy trì tốt, 100% học sinh đều hoàn thành chương trình giáo dục. Thầy giáo Thuận Xuân Nhất, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Điều kiện ở đây tuy còn thiếu thốn, vất vả nhưng với tinh thần yêu nghề, yêu trẻ các giáo viên đều luôn cố gắng, nỗ lực vượt qua. Cùng với đó, sự quan tâm gần gũi của phụ huynh học sinh dành cho thầy, cô giáo đã là nguồn động lực, động viên các giáo viên càng thêm gắn bó với vùng đất xa xôi này.

Hành trình “gieo chữ” của các thầy cô ở vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, song nhiệt huyết, trách nhiệm và nhất là tình yêu nghề đã giúp cho các thầy, cô giáo vượt qua, họ vẫn đang từng ngày cần mẫn để “gieo mầm” cho những ước mơ của các em học sinh vùng cao còn nghèo khó.

Không khí xuân đã tràn ngập khắp các làng vùng cao và ở nơi xa xôi ấy vẫn sáng bừng trang giáo án của các thầy, cô mang đến cho con trẻ thật nhiều con chữ, để hướng tới tương lai tươi đẹp.