• Nghề đan thúng chai của ngư dân miền Trung
  • (NTO) Thúng chai hàng bao đời qua đã gắn với cuộc sống đi biển của ngư dân các tỉnh miền Trung. Theo đó, làng nghề đan thúng chai cũng được hình thành hàng thế kỷ qua trên vùng đất Phú Mỹ thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
  • Nghề đan thúng chai Phú Mỹ không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn là cái nghề gắn bó, tạo nên một nếp sống với người dân nơi đây. Thúng chai được sử dụng để đánh bắt hải sản gần bờ như câu mực, lặn sò, kéo lưới hoặc dùng để đua tranh trong các cuộc thi, lễ hội cầu ngư hàng năm. Sản phẩm thúng chai Phú Mỹ với giá thành rẻ, chất lượng lại tốt nên hàng chục năm qua đã được ngư dân ở khắp các tỉnh ven biển từ Quảng Ngãi đến Tiền Giang tin dùng. Đặc biệt, nhiều năm nay, thúng chai Phú Mỹ còn xuất khẩu đi các nước trên thế giới như: Thái Lan, Thụy Sĩ.

    Thúng chai được làm từ loại tre được trồng nhiều ở vùng đất Phú Mỹ vốn chịu nước rất tốt và có độ dẻo cao, không bị giòn gãy khi đan. Theo anh Mai Văn Tạo, thợ đan thúng đã 20 năm nay cho biết, là thúng chai có nhiều công đoạn, mỗi công đoạn được phụ trách bởi một người thợ khác nhau: thợ vót nan, thợ lận, thợ đan, thợ nức vành, thợ trét dầu, phân bò…

    Trong các công đoạn làm thúng chai thì trét dầu rái được coi là công đoạn quan trọng nhất, vì nó quyết định sự thành bại của sản phẩm, giúp nâng tuổi thọ của một chiếc thúng chai lên đến 12-15 năm. Dầu rái là hỗn hợp từ bột cây chai trộn với dầu hỏa (đây chính là nguồn gốc tên gọi của “thúng chai”), được trét lên thúng chai để bảo vệ và chống thấm (trong quét 3 lớp, ngoài 2 lớp). Một chiếc thúng chai thành phẩm, đạt chất lượng để xuất ra thị trường từ lúc đan mê đến khi hoàn tất phải mất thời gian khoảng 8-10 ngày (tính cả thời gian phơi thúng). Nhờ nguồn nguyên liệu có sẵn, nên giá sản phẩm thúng chai Phú Mỹ thường thấp hơn các địa phương khác, mỗi chiếc dao động từ 1,5-3 triệu đồng tùy theo kích cỡ và số nan.

     
    Thúng chai hàng bao đời qua đã gắn với cuộc sống đi biển của ngư dân các tỉnh miền Trung.
     

     
    Tre được dùng để làm thúng chai Phú Mỹ được trồng nhiều ở địa phương vốn chịu nước
    rất tốt và có độ dẻo cao, không bị giòn gãy khi đan.
     

    Công đoạn đan mê thường do lao động nữ đảm trách.
     

    Rảy nước để tấm mê được bền, chắc.
     

    Làm hầm đất có tác dụng như khuôn để thúng chai tròn đều, tạo sự cân bằng để dễ di chuyển trên biển khi sử dụng.

     
    Dụng cụ để làm thúng chai.

     
    Cho mê vào hầm đất trước khi lận vành.
     

    Đóng mê để thúng chai có độ tròn đều.
     

     
    Lận vành là công đoạn tốn sức và cần nhiều kinh nghiệm, thường cần thợ trên 18 tuổi đảm trách.

     
    Bo vành thúng cho thật chắc.
     

    Nghề đan thúng chai đã được hình thành hàng thế kỷ qua trên vùng đất
    Phú Mỹ thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

     
    Kiểm tra độ chắc chắc của vành thúng.

     
    Nghề đan thúng chai Phú Mỹ là cái nghề gắn bó và tạo nên một nếp sống với người dân nơi đây.
     

    Vành thúng được lận nhiều lớp tre để thật chắc chắn khi sử dụng.

     
    Thúng chai sau khi hoàn thành phần thô sẽ được mang đi cho thợ trét dầu rái.
     

     
    Dầu rái là hỗn hợp từ bột cây chai trộn với dầu hỏa.
     

    Dầu rái được trét lên thúng chai để bảo vệ và chống thấm.

     
    Phơi thúng chai.
     

    Sản phẩm thúng chai Phú Mỹ được ngư dân ở khắp các tỉnh ven biển từ Quảng Ngãi
    đến Tiền Giang sử dụng để đi biển.
     

     
    Thúng chai còn gắn với vẻ đẹp của bãi biển miền Nam Trung Bộ.