Lương tâm và trách nhiệm

(NTO) Xã hội luôn tồn tại nhiều ngành nghề khác nhau, nghề nào cũng cao quí và cần thiết. Nghề nào cũng đòi hỏi lương tâm và trách nhiệm của mỗi người. Lương tâm của nghề giáo chính là thước đo về phẩm chất, đạo đức của người thầy. Người thầy thuốc ngoài việc giỏi nghề để chữa bệnh cứu người, người thầy thuốc còn cần có lương tâm và trách nhiệm. Hay như nghề báo, để đưa được thông tin đến độc giả đầy đủ, chính xác, những người làm báo cần nêu cao chữ tâm…

Nghề giáo, nghề quyết định sự phát triển nhân cách của con người ngay từ bài học đầu đời. Nghề giáo luôn xem trọng đạo lý, nhân cách và lương tâm của người thầy thể hiện từ tấm lòng yêu nghề đến lối sống, tác phong. Nhà giáo phải có trình độ, năng lực chuyên môn, có như vậy họ mới có thể đảm nhận tốt việc truyền đạt kiến thức cho học sinh. Đây là yếu tố quan trọng mà người thầy nào cũng cần phải có. Ngoài ra, người thầy phải có lòng yêu thương, luôn bao dung và ân cần đối với học trò. Lương tâm của người thầy còn thể hiện ở việc công bằng trong giảng dạy, đánh giá đúng năng lực của học sinh. Người thầy không vì tình cảm riêng tư, thiên vị dẫn đến đánh giá sai lệch kết quả học tập của học sinh. Thầy giáo luôn là người thấu hiểu, sẵn sàng giúp đỡ học sinh khi gặp khó khăn. Làm được điều đó, vị thế và uy tín của người thầy càng được nâng cao.

Riêng với nghề y, nghề chữa bệnh cứu người, đạo đức của người thầy thuốc càng đóng vai trò quan trọng. Người thầy thuốc phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc cứu chữa, chăm sóc người bệnh. Thái độ ân cần, chu đáo của họ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, sức khỏe của bệnh nhân. Trong cơ chế thị trường, giá trị đồng tiền dễ dàng tác động tiêu cực đến mối quan hệ thầy thuốc và người bệnh nếu họ không vững vàng sẽ làm vẩn đục sự thanh cao của nghề. Để người thầy thuốc làm tròn vai trò và trách nhiệm của mình rất cần đến sự quan tâm của toàn xã hội trong việc chăm lo nâng cao y đức, tạo mọi điều kiện để mỗi thầy thuốc tận tụy hết mình với công việc.

Đối với nghề báo, hơn hết đòi hỏi người làm báo càng phải có lương tâm và trách nhiệm. Người làm báo đưa tin một cách khách quan, trung thực, không vì những động cơ khác nhau đưa ra những suy nghĩ chủ quan của bản thân, dẫn đến thông tin bị sai lệch. Điều đó thể hiện thái độ cẩu thả, thiếu trách nhiệm của người viết. Người làm báo có tâm, họ viết báo vì đam mê chứ không phải vì tiền bạc và hư danh. Họ không lợi dụng nghề để trục lợi cá nhân, bóp méo sự thật, đó là đạo đức của người làm báo. Đạo đức phải gắn với cách nhìn nhận, đánh giá sự việc, nếu nhà báo có kiến thức rộng sẽ tránh được những sai sót trong tác phẩm của mình...

Mỗi người với công việc khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến một mục đích duy nhất là làm cho cuộc sống này thật ý nghĩa và thêm hạnh phúc. Và còn biết bao điều tốt đẹp khác nữa đang chờ đón chúng ta, nếu như lương tâm chân chính luôn tồn tại trong cuộc sống hôm nay.