Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh

(NTO) Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh ta, chiều 27-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2016.

Tham dự có các đồng chí: Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Tiếp làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với Thủ tướng và Đoàn công tác Chính phủ.

Báo cáo với Thủ tướng và Đoàn công tác Chính phủ, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là tình hình hạn hán kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và chăn nuôi của Nhân dân, nhưng với tinh thần chủ động trong chỉ đạo, điều hành và triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp của các cấp, các ngành; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì ổn định. Tổng sản phẩm nội tỉnh đạt 6.245 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, trong đó: Ngành công nghiệp – xây dựng tăng 0,9%; dịch vụ tăng 12,9%; nông – lâm nghiệp và thủy sản giảm 3,4%. Tổng thu ngân sách đạt 934,7 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 930 tỷ đồng, đạt 50,3%, tăng 4% so với cùng kỳ. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 39,9 triệu USD, tăng 84,4% so với cùng kỳ. Giải quyết việc làm mới cho 8.734 lao động, đạt 56,3% kế hoạch năm... Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể cho thấy, tình hình của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, dù được Chính phủ phân bổ kinh phí cứu đói, cứu khát, nhưng do nắng hạn kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất và chăn nuôi của Nhân dân. Cụ thể, từ đầu năm đến nay có 15.407 ha đất canh tác phải ngừng gieo trồng. Nắng hạn cũng đã làm 5.137 con gia súc bị chết do thiếu thức ăn, nước uống… Để vượt qua khó khăn, thách thức, tỉnh đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu vẫn là công tác chống hạn theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng bền vững theo hướng tiết kiệm nước, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện các quy định về thủ tục hành chính theo mô hình một cửa liên thông. Tổ chức thường xuyên các Hội nghị chuyên đề, đối thoại trực tiếp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và các nguồn vốn hỗ trợ khác để xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Đề án về “Cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh”. Cho phép tỉnh áp dụng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao hơn so với các quy định hiện hành, đối với các dự án có quy mô lớn, quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ 3.000 tấn gạo cứu đói trong thời gian khôi phục sản xuất cuối năm 2016 cho 31.433 hộ/129.159 nhân khẩu trên địa bàn; hỗ trợ 160 tỷ đồng để xây dựng, mở rộng các công trình cấp nước sinh hoạt cho 2 huyện Bác Ái, Thuận Bắc; hỗ trợ 2.622 tấn giống cây trồng để bà con tái sản xuất... Đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn như hệ thống thủy lợi Tân Mỹ; Thủy điện tích năng Bác Ái; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 27 (đoạn qua địa bàn tỉnh); đường 21 Tháng 8, việc liên thông các hồ chứa như: Tân Giang, Sông Biêu, Suối Lớn… tỉnh mong được Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có giải pháp phối hợp sớm đầu tư hoàn chỉnh các giai đoạn còn lại.

Đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc.
 
 
Đồng chí Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi làm việc.

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vượt qua khó khăn của nắng hạn, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, nhất là trong đầu tư hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, chăm lo y tế, giáo dục… Thủ tướng cho rằng, Ninh Thuận khó khăn do điều kiện khí hậu nắng nóng quanh năm, nhưng lại phù hợp với các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù không nơi nào có được như măng tây xanh, nho, táo... Tuy nhiên, nếu so mặt bằng chung của cả nước thì Ninh Thuận vẫn là tỉnh còn ở mức xuất phát thấp. Do vậy, tỉnh cần thực hiện tốt tất cả các khâu từ quy hoạch, đến việc thu hút đầu tư, triển khai dự án, nhất là những dự án tiềm năng, lĩnh vực trụ cột mà tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư.

Thủ tướng chia sẻ những khó khăn, thách thức mà địa phương đang tích cực tháo gỡ để phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Thủ tướng đề nghị tỉnh phát huy tiềm năng lợi thế vốn có, tìm cách làm hay, vượt qua khó khăn thách thức, nhất là trong tình hình nắng hạn đang diễn biến phức tạp hiện nay không để người dân thiếu đói, đứt bữa.

Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2016, Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai tốt công tác quy hoạch, tái cấu trúc ngành nông nghiệp và các ngành nghề nông thôn phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, nhằm tạo sức cạnh tranh và lợi thế để thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên các lĩnh vực phù hợp với quy hoạch, nhưng phải đảm bảo tốt vấn đề bảo vệ môi trường. Trước mắt, tỉnh cần quan tâm ưu tiên nguồn nước sinh hoạt cho người dân, tiếp đến mới nước uống cho gia súc và tổ chức sản xuất, đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra.

Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã cho ý kiến liên quan đến các kiến nghị của tỉnh về một số nội dung liên quan đến Đề án về “Cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội tổ chức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân tỉnh Ninh Thuận”; hỗ trợ đầu tư một số dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cảm ơn những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của các thành viên đoàn công tác đã gợi ý, chia sẻ giúp địa phương thực hiện tốt và đồng bộ hơn các giải pháp trong thời gian tới.