Đến với bài thơ hay

TỰU TRƯỜNG

Tinh khôi áo trắng tựu trường

Ban mai nắng ấm quyện vương gót hồng

Trang vở thơm những đợi mong

Viết lên khát vọng ươm mầm tương lai.

Đặng Quang Sơn

LỜI BÌNH:

Trước cảnh vui nhộn trong ngày khai giảng đầu năm học, thầy giáo Đặng Quang Sơn cho ra đời bài thơ “Tựu trường” được các thầy, cô giáo và học trò trong tỉnh đón nhận. Bài thơ là lời ước hẹn, niềm tin, niềm mong đợi của tác giả tới học trò về cái tốt, cái đẹp tươi sáng, hứa hẹn hướng tới tương lai.

Thơ về đề tài “Tựu trường” khó viết, dễ bị nhàm chán, bởi lẽ thường lặp lại ý, cách nói của nhiều người đi trước. May thay, Đặng Quang Sơn có cách né tránh được điều đó. Anh có cách nói, cách cảm riêng, nên bài thơ vẫn đứng vững được bên cạnh nhiều sáng tác khác cùng đề tài.

Tác giả cùng hớn hở, hòa nhập với tuổi thơ trong ngày hội của ngành Giáo dục khi cảm nhận đàn chim non-học sinh vờn cánh trong bầu không khí khuôn viên trường học buổi đầu tiên gặp thầy, gặp bạn. Vượt ra khỏi giới hạn thơ mặt phẳng “thấy sao viết vậy”, “Tựu trường” - thể hiện cảm xúc, suy tưởng, gây được ấn tượng cho người đọc, đội ngũ giáo viên và đặc biệt bạn đọc nhỏ tuổi học sinh.

Tinh khôi áo trắng tựu trường

Ban mai nắng ấm quyện vương gót hồng.

“Quyện” đi liền với “vương” cho ta thấy sự hòa hợp thi vị giữa môi trường lồng lộng trời cao xanh với “áo trắng tinh khôi” tươi non, xênh xang chạy nhảy của thiên thần con trẻ tràn đầy hứa hẹn nhựa sống mơn mởn trên mặt đất. Có gì cưu mang con trẻ hơn bằng lời thơ ấp iu, âu yếm, nâng niu trong hai tiếng “gót hồng”?. “Gót hồng” chỉ học sinh ở đây là một biện pháp tu từ hoán dụ sáng tạo!. Tuổi học trò vui nhộn, gót chân hồng chạy nhảy hát ca là hợp lý chứ nếu là người phụ nữ chung thì tôi e đã được chuyển sang “má hồng” rồi! Có hạnh phúc nào hơn khi niềm vui chót đỉnh ưu ái dành tặng tuổi “gót hồng” bung nở “tinh khôi áo trắng” trong buổi khởi đầu cho ngày mới rạng rỡ tin yêu! Tất cả sôi động như nhịp thở trong lành của trời đất dồn tụ lại cho buổi tinh khiết “ban mai” lại được sắc trời xanh trong thong thả dịu dàng nhả tơ “nắng ấm” lấm tấm vàng.

Cũng vì thế mà hình như “ban mai” ở đây đâu chỉ nói về thời gian buổi sáng. “Nắng ấm” cũng đâu chỉ nói về hơi ấm của ông mặt trời thường. Mà nó còn bao hàm một ý tứ sâu xa hơn? Phải chăng, tác giả muốn nói tới ý tưởng với một mặt trời nghĩa bóng, mặt trời nhân văn? Chính mặt trời nghĩa bóng ấy tạo ra “nắng ấm” cho muôn đời, nắng ấm ưu việt chế độ thực sự chở che, dành mọi điều tốt đẹp nhất, ưu ái nhất cho tuổi thơ?

Chất thơ rạng dần khái quát cao ở hai câu kết:

Trang vở thơm những đợi mong

Viết lên khát vọng ươm mầm tương lai.

Lời đẹp! Ý đẹp! Tứ thơ bất ngờ! Ý nghĩa đẹp đích thực của nền giáo dục vươn tới tương lai.

Tầm vóc hai câu kết này được mở rộng, nâng cao (cái hay và “chất thơ” dồn nén ở đây). Phương pháp tu từ ẩn dụ kép được tác giả sử dụng thành công. Ý thơ được vận hành theo trình tự khép kín buộc người đọc phải tự mình lý giải, khám phá. Và khi ý thơ được “giải mã” lập tức cái hay, cái đẹp đặc trưng của văn chương từ từ được phát lộ.

Ý tứ dồn nén (tính hàm súc) ta thấy được cái hay, cái lôgic, sâu sắc của ý thơ, mới thấy được “vàng ròng lấp lánh” được nén chặt vào trong 2 cặp thơ lục bát này. Được đắm mình trong ngày tựu trường, với từng con trẻ, có niềm vui, hạnh phúc nào hơn? Niềm vui càng được nhân lên khi các em được tặng bài thơ hay viết về ngày đầu tiên mà mỗi em bước vào ngưỡng cửa cuộc đời đầy hứa hẹn và tràn đầy hy vọng đẹp nhất của thế hệ mình.