Phú Yên phát hiện bệnh nhân mắc virus Zika

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu xác nhận, tại Phú Yên đã có một trường hợp nhiễm virus Zika. Đây là ca thứ 3 tại Việt Nam dương tính với virus này.

Ngày 27/6, bệnh nhân D.Đ.T., 27 tuổi ở thôn Tân Hội (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) xuất hiện sốt kèm theo các triệu chứng đau cơ, đau khớp; sau đó xuất hiện thêm ban đỏ dạng chấm toàn thân.

Mặc dù kết quả xét nghiệm của bệnh nhân T. âm tính với bệnh sốt xuất huyết (SXH) và bệnh nhân cũng đã được xuất viện, nhưng mẫu huyết thanh vẫn được gửi vào Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Đến ngày 28/7, Viện Pasteur Nha Trang kết luận mẫu máu của bệnh nhân T. dương tính với virus Zika.

Ngay khi nhận được kết luận nói trên, Sở Y tế tỉnh Phú Yên và các cơ quan y tế liên quan đã giám sát, khoanh vùng, tổng vệ sinh tại nhà bệnh nhân và 154 hộ dân xung quanh nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.

Ngoài ra, Sở Y tế còn chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở y tế có giường bệnh tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do virus Zika.

Ngày 2/8, Sở Y tế Phú Yên tổ chức đoàn giám sát liên ngành tiếp tục giám sát tại thôn Tân Hội và đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện thêm trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh do virus Zika.

Trước đó, vào tháng 4/2016, Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp dương tính với virus Zika đầu tiên tại tỉnh Khánh Hòa và TPHCM. Như vậy đây là ca thứ 3 tại Việt Nam dương tính với virus này.

Bộ Y tế kiểm tra “điểm nóng” sốt xuất huyết

Ngày 2/8, Đoàn công tác số 1 của Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH ở Gia Lai - một trong những “điểm nóng” về SXH của khu vực Tây Nguyên thời gian gần đây.

Với gần 3.500 ca mắc SXH tại 17/17 huyện, thị xã, UBND tỉnh Gia Lai đã phải gửi công điện khẩn đến ngành y tế yêu cầu tập trung phòng chống cao độ, khẩn trương khống chế, phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy dập tắt ngay các ổ dịch.

Tại Gia Lai, bệnh SXH bùng phát mạnh nhất tại TP. Pleiku (gần 1.000 ca), tiếp đến là các huyện Đắc Đoa, Ia Grai, Chư Sê, Đắc Pơ...

Bên cạnh yếu tố thời tiết, do đang là mùa mưa làm gia tăng SXH tại Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng trong năm nay, qua kiểm tra thực tế tại khu vực này cho thấy, vẫn còn có tình trạng các gia đình để nhiều lốp xe phế thải đọng nước ở quanh nhà và các bể tôn chứa nước mở nắp không được xử lý, nên muỗi vào đẻ trứng.

Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu địa phương và cơ quan liên quan cần phải có kế hoạch, giải pháp phòng, chống cụ thể.

Tiếp tục tuyên truyền về phòng, chống SXH kết hợp phun thuốc diệt bọ gậy, khai thông cống rãnh... nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

Nguồn www.chinhphu.vn