Tản mạn "Chuyện ngày xưa"

(NTO) Ngày xưa là gì vậy ba? Đang bữa cơm, bất chợt cô gái út hỏi tôi. Mẹ cháu nói cho qua: Ngày xưa là ngày con chưa ra đời í. Cô bé không chịu hỏi vặn lại: Thế sao cứ mỗi lần nghe mẹ nhắc nhở, anh hai lại nói “mẹ toàn nói chuyện ngày xưa”? Tôi giảng hoà: Ngày xưa là ngày đã qua, có thể là thời cha mẹ sống lúc còn trẻ, cũng có thể là thời ông, bà nội ngoại con sống, nó khác với bữa nay. Thế rồi cháu đòi: Vậy ba kể con nghe chuyện ngày xưa nhé!

Chuyện “canh toàn quốc, nước mắm đại dương”

Sau bữa ăn, tôi nói với cháu: Ngày xưa có canh toàn quốc, nước mắm đại dương. Thế nhà mình có không ba? Con bé vô tư hỏi. Tôi giảng giải: Nếu có sao còn chuyện ngày xưa. Canh toàn quốc là loại canh chỉ có nước, muối, bột ngọt còn rau hay thịt, cá ít đến mức tinh mắt mới nhìn thấy. Nước mắm đại dương gồm nước sôi pha với muối thêm chút bột ngọt, nước mắm thiệt đôi khi pha chút ít lấy mùi. Các chú bộ đội như ông nội con chiến đấu ở chiến trường gian khổ, ác liệt lắm nhưng họ phải ăn uống với canh toàn quốc, nước mắm đại dương. Nghe vậy cháu hỏi: Ăn uống như thế sao ông nội và bộ đội mình có sức khoẻ để chiến đấu vậy ba? Tôi dịu giọng: Đó là bởi tinh thần yêu nước, chiến tranh tàn phá, thiếu thốn đủ bề nhưng nhờ tinh thần yêu nước, yêu tự do nên ai ai cũng sẵn sàng chấp nhận. Ví như cơm trắng chỉ có ăn trong ba ngày tết nguyên đán hoặc ngày giỗ kỵ ông, bà tổ tiên còn lại cơm ăn hằng ngày là củ chuối - hạt bobo độn gạo nhưng nhà nào cũng có hũ gạo “Vì miền Nam ruột thịt”. Mỗi ngày, bữa nấu ăn người ta bỏ vô hũ hai ba nắm gạo trắng, cuối tuần Hội Phụ nữ tới từng gia đình gom, nhà nào có số lượng gạo nhiều được biểu dương trên loa phóng thanh của thôn, của xã. Nhà nào được biểu dương vinh dự, tự hào lắm. Nhờ vậy, dù ăn không no, đồng bào miền Bắc vẫn thường xuyên gửi lương thực vô miền Nam chi viện cho bộ đội ta đánh giặc.

 
Ảnh minh họa.

...Và học sinh đội nón rơm, mang áo giáp rơm như người chiến sĩ xung trận

Nghe tôi kể chuyện, anh hai nó vốn hay cau có mỗi khi mẹ dạy bảo bằng việc so sánh với ngày xưa cũng xen vào: Chuyện ba có đầu có đuôi con cũng muốn nghe. Thấy hai đứa hào hứng, tôi hỏi: Hai con có thấy trên tivi bác Thiện Nhân (Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đội mũ rơm, các bạn tuổi hai con vừa đội mũ rơm vừa mang lá chắn rơm sau lưng. Đế quốc Mỹ tuyên truyền rằng chỉ bắn phá các mục tiêu quân sự, các cơ quan đầu não của ta nhưng bom đạn, tên lửa của không quân Mỹ ném xuống các khu dân cư, trường học, bệnh viện… Máy bay của chúng thay nhau quần suốt ngày đêm, các cháu học sinh trên đường đi học, ngồi trong lớp, giờ ra chơi, lúc tan trường đều có nguy cơ trúng mảnh đạn bom. Để bảo vệ con em mình, nhân dân ta đã có sáng kiến sử dụng phế liệu của cây lúa phơi khô, bện lại như sợi dây thừng rồi kết lại thành những chiếc mũ rơm, lá chắn rơm để chắn mảnh bom, chùm viên bi của địch khỏi bị sát thương. Trường học là những căn nhà tường đất, mái lợp bằng rơm thấp lè tè, ẩn dưới những hàng cây xanh để máy bay địch khó phát hiện. Kết nối với trường là hệ thống giao thông hào hình chữ chi-dích dắc nối liền với các lớp học tại cửa ra vào. Từng tấm khiên làm bằng rơm thay cánh cửa ra vào trường học, làm tấm chắn cửa hầm chữ A (hầm tránh bom kiểu chữ A) ngăn mảnh bom địch bảo vệ an toàn học sinh. Thời đó, hình ảnh những học sinh nhỏ bé đầu đội nón rơm che phủ vai, lưng mang khiên lá chắn rơm nhìn không thấy hình hài cứ như chuyện cổ tích thần tiên là vậy. Đi học nhưng học sinh chúng ta chẳng khác gì các chiến binh thời "trung cổ" xung trận. Điều hết sức tự hào là lớp học trò ngày đó đã cùng dân tộc ta làm nên cuộc cách mạng thần kỳ là đánh bại đế quốc Mỹ và tiếp tục góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.

Trên đây, chỉ là một trong những vô vàn “chuyện ngày xưa” thời toàn dân chống Mỹ. Qúa khứ luôn nối liền với hiện tại, trong kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, có vị đại biểu là Bí thư tỉnh uỷ (sau này làm Bộ trưởng) phát biểu với báo giới về trăn trở của mình rằng, phải làm sao để xốc lại phong trào sục sôi cách mạng như thời đánh Mỹ và như vậy thì nhiệm vụ cách mạng dù khó khăn, gian khổ đến đâu cũng nhất định thành công. Có lẽ trong mỗi chúng ta ai cũng ít nhiều có những hoài niệm về ngày xưa, thời kháng chiến anh hùng và hãy để nó làm điểm tựa, là ý chí, niềm tin để ta vững bước vươn lên trong cuộc sống.