Cách chăm sóc da cho trẻ em trong mùa nóng

(NTO) Da trẻ em còn rất mềm mại, sức chống đỡ yếu nên càng cần phải quan tâm chăm sóc cẩn thận. Mùa hè, thời tiết nóng làm tăng tiết nhiều mồ hôi, mồ hôi tồn đọng trên da sẽ chuyển thành Ammoniac, làm kiềm hóa mặt da, làm cho vi khuẩn và vi nấm dễ phát triển, sinh nhiều bệnh về da. Xin giới thiệu những kiến thức, thực hành cơ bản về chăm sóc da trẻ em trong mùa hè:

Chăm sóc da thông thường: Mùa hè nên cho trẻ mặc áo quần thoáng mát, loại vải cotton mềm và dễ hút ẩm. Tắm trẻ ngày 1 lần bằng nước ấm, hạn chế dùng xà phòng, sữa tắm để bảo vệ lớp nhũ tương trên mặt da; giữ da trẻ khô, sạch bằng cách dùng khăn mềm, thấm nước lau nhẹ khi vấy bẩn, nhất là sau khi trẻ vệ sinh xong. Chú ý những vùng kẻ da như ở cổ, nách, bẹn, đùi, vùng da quanh hậu môn, bộ phận sinh dục… phải được giữ sạch và khô. Không rắc phấn hoặc thoa bất cứ sản phẩm gì vào kẽ da. Sử dụng tả, đồ lót bằng vải mềm, thông thoáng, những loại tã hút nước chỉ mang cho bé khi đi đường và nên mặc áo quần vải thông thoáng khi ở nhà.

 
Ảnh minh họa.

Bảo vệ da: Mang bao tay hoặc cắt móng tay trẻ khi dài để tránh trẻ cào xước da; không cho trẻ tiếp xúc với vật nhọn, cứng và rất lưu ý khi bế bé hoặc để bé lại gần các vật nóng vì trẻ có thể chụp, bốc bất ngờ gây bỏng. Không mặc áo quần kín, dày vì có thể làm xây xước da, viêm da trẻ. Hạn chế mặc đồ không hút nước vì độ ẩm cao làm bé khó chịu và dễ bị viêm da. Không được bôi bất kỳ sản phẩm nào khi lên da chưa được nhân viên y tế hướng dẫn vì da bé sẽ hấp thu vào cơ thể nhất là sản phầm có chất dầu, iode, thủy ngân (Hg), Salicylate, Acid Salicylique dễ ngấm qua da sẽ gây ngộ độc. Đặc biệt, không bôi dầu có chất Menthol lên trán, mặt, mũi trẻ có thể làm trẻ bị ức chế hô hấp và ngưng thở, bôi nhiều ở chỗ khác sẽ gây nám da.

Những bệnh về da thường gặp trong mùa hè là: Nấm da biểu hiện bằng những quầng tròn da bị lợt màu; viêm da với những nốt nhỏ đỏ xen lẫn những nốt mủ; sảy với những chùm da ửng đỏ, nổi trên mặt da, do bị tích mồ hôi không thoát ra ngoài do miệng nang lông bị bịt kín; chàm da với những biểu hiện bong tróc da xen lẫn những mụn nước hoặc mủ; nhọt do viêm nang lông, chốc đầu, viêm da mủ với nhiều nốt có mủ có thể gây biến chứng viêm cầu thận, viêm màng trong tim; các kẽ da bị viêm, hăm đỏ… thì nên đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu khám để được hướng dẫn chăm sóc, điều trị đúng cách từng trường hợp cụ thể.

Tuyệt đối không được nghe lời mách bảo bôi đắp, thoa, xát những chất không được thầy thuốc hướng dẫn có thể gây những tác hại khó lường.