Chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em trong điều kiện hạn hán hiện nay

(NTO) Tình trạng hạn hán đang xảy ra gay gắt ở tỉnh ta đã làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sản xuất của Nhân dân. Thiếu nước sạch dùng cho sinh hoạt, ăn uống hàng ngày của người dân nhiều vùng nên tình trạng vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh nước sạch cũng khó bảo đảm; trong đó phụ nữ và trẻ em là những người phụ thuộc dễ bị ảnh hưởng trước nhất.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, cần hiểu biết và nâng cao kiến thức người dân, thực hành dinh dưỡng hợp lý để phòng chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em là việc cần thiết hiện nay.

1/ Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất, đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn vì những lợi ích Nuôi con bằng sữa mẹ như sau:

- Sữa mẹ là loại thức ăn và thức uống tốt nhất cho trẻ sơ sinh vì chứa nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh và thông minh. Bú mẹ ngay giờ đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; cho trẻ ăn dặm sau 6 tháng và tiếp tục cho bú mẹ đến 24 tháng.

- Cho trẻ uống sữa hộp làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiêu chảy và các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt nguy hiểm trong những hoàn cảnh khẩn cấp vì nước và các dụng cụ dùng pha sữa có thể dễ bị nhiễm khuẩn.

2/ Những lo ngại thường gặp về nuôi con bằng sữa mẹ

Thực tế. sự căng thẳng có thể ảnh hưởng tới khả năng tạo sữa của mẹ tạm thời. Cần hỗ trợ để mẹ và bé được ở bên nhau, tạo điều kiện cho bé bú mẹ sẽ làm giảm sự căng thẳng, xoa dịu cho cả mẹ và bé, đồng thời sữa mẹ sẽ có lại.

Những bà mẹ bị thiếu dinh dưỡng vẫn có thể cho con bú, song họ cần được cung cấp thêm thức ăn, nước hoa quả để có thêm sữa cho con bú.

Cho rằng một khi đã dừng cho bú thì không thể cho bú lại được nữa, thực tế: Có thể bắt đầu việc cho bé bú lại, sữa mẹ sẽ có lại và cho trẻ bú đến 24 tháng.

Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, tạo điều kiện để mẹ gần bé nhiều hơn. Tăng khẩu phần ăn và cung cấp đủ nước uống. Nhân viên y tế cần hướng dẫn các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách và uống bổ sung 1 viên đa vi chất / ngày.

3/ Cho trẻ ăn bổ sung

Việc cho trẻ ăn bổ sung chỉ nên bắt đầu sau 6 tháng tuổi. Thức ăn bổ sung nên được làm từ các nguồn thức ăn có sẵn ở địa phương khi có thể, dễ tiêu hóa, phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.

4/ Khuyến khích sử dụng bột dinh dưỡng tự chế tại gia đình.

Từ 7 tháng đến 9 tháng, cho trẻ ăn bột từ lỏng đến đặc, từ bột ngọt sang bột mặn. Có thể chế biến bột dinh dưỡng như sau: Dùng 5 phần gạo tốt + 1 phần đậu (đậu nành hoặc đậu xanh, ngâm nước, bóc vỏ, rang chín), xay nhuyễn, pha nước khuấy chín. Cách dùng: 5 – 10 gam bột/ kg thể trọng/ ngày. Nếu ăn bột ngọt thì cho tí đường; nếu ăn bột mặn thì cho thêm thịt, hoặc cá băm nhừ, hoặc trứng (trứng gà, trứng cút, trứng vịt) với tí muối, mắm. Trẻ biếng ăn có thể lúc bắt đầu tập ăn bà mẹ đã cho bé ăn những bữa ăn kém chất lượng và thường xuyên chỉ một món ăn.

5/ Dinh dưỡng phụ nữ mang thai: Nên ăn cân bằng đủ 4 nhóm chất, cụ thể một ngày: ăn khoảng 400g gạo, khoảng 100 – 200 g chất đạm (cá, hải sản, thịt các loại, trứng các loại, đậu hạt các loaị nhất là đậu nành và nếu có sữa uống càng tốt); 30 – 50 g (dầu, mỡ) và khoảng 400 – 500 gam rau, củ, trái cây .

- Nên đi khám thai để được tư vấn về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng đúng và được cấp viên đa vi chất, uống 1 viên/ ngày theo hướng dẫn nhân viên y tế.