• Về thăm xứ Nẫu
  • (NTO) Nhân dịp Hội thảo Báo Đảng khu vực miền Trung-Tây Nguyên lần 6 (vòng IV) được tổ chức tại Bình Định, chúng tôi được một lần về thăm xứ Nẫu – Vùng đất của những tháp Chàm trầm mặc, rêu phong qua điệu bài chòi mượt mà, sâu lắng và những con người chất phác qua những phương ngữ bình thường, mộc mạc. Người dân Bình Định - Phú Yên bây giờ, thường được gọi là “dân xứ Nẫu” (họ, người ta).
  • Được biết, năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan, có bổn phận đưa lưu dân nghèo không sản nghiệp khai khẩn vùng đất mới từ nam đèo Cù Mông đến đèo Cả (tỉnh Phú yên bây giờ). Sau 33 năm khai phá vùng đất mới, hình thành làng mạc, năm 1611 chúa Nguyễn Hoàng thành lập phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Năm 1629, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nâng cấp phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên. Do đặc điểm của vùng đất mới còn hoang hóa, dân cư thưa thớt nên các đơn vị hành chính của vùng biên viễn có những nét đặc thù. Dưới cấp huyện có cấp Thuộc, dưới thuộc là các đơn vị hành chính nhỏ hơn như Phường, Nậu, Man.

    Phường là các làng nghề có quy mô như phường Lụa, phường Sông Nhiễu. Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu Nậu. Do sự phát triển của xã hội Đàng Trong, năm 1726, chúa Nguyễn Phúc Chú (1697-1738) cử Đại ký lục chính danh Nguyễn Đăng Đệ quy định phạm vi, chức năng của các đơn vị hành chính. Các đơn vị hành chính như “Thuộc”, “Nậu” bị xóa bỏ. Khái niệm thành tố chung cấp hành chính “Nậu” được biến nghĩa, dùng để gọi người đứng đầu trong đám người nào đó và sau này dùng để gọi đại từ nhân xưng ngôi thứ ba. Và đặc trưng ngữ âm của vùng Nam Trung bộ (Bình Định - Phú Yên) không phân biệt rạch ròi cách phát âm dấu hỏi và dấu ngã. Bởi vậy, "Nẩu" hay được phát âm là "Nẫu".

    Người dâm Bình Định - Phú Yên được gọi là người xứ Nẫu hẳn nhiên vì đại từ nhân xưng "nẫu" (bọn họ, người ta...) đã trở nên quá phổ biến với chất giọng nằng nặng, thô ráp nhưng chân thật không lẫn vào đâu được. Đến vùng đất Bình – Phú Yên, du khách còn có thể khám phá thật nhiều nét đẹp từ những điểm du lịch đặc trưng Bình Định: Ghềnh Ráng, mộ Hàn Mặc Tử, Bảo tàng Quang Trung, bãi tắm Hoàng Hậu,… đến những địa danh gắn liền với Phú Yên: Gành Đá Đĩa, Tháp Nhạn, Đầm Ô Loan, Vũng Rô… làm mê đắm lòng người.

    Tp. Quy Nhơn (Bình Định) nhìn từ đèo Cù Mông.

    Phố biển Quy Nhơn với bãi biển cát vàng trải dài, xanh, sạch, đẹp.

    Du khách đến tham quan Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại huyện Tây Sơn (Bình Định)
    và thắp nén hương tưởng nhớ thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Đến với Tây Sơn, du khách sẽ được xem những màn biểu diễn đối kháng đậm chất vùng đất
    võ và những điệu múa của đồng dân tộc anh em.

    Đến thăm Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa
    để tham quan phòng lưu niệm Nhà thơ Hàn Mặc Tử điều trị bệnh và mất;
    tham quan nét độc đáo của những ngôi nhà kiến trúc Pháp với kiểu dáng khác nhau

    Khám phá Bãi đá trứng tại Khu du lịch Ghềnh Ráng.

    Phố biển Quy Nhơn về đêm lung linh, đầy màu sắc.
     
     
     
    Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia Vũng Rô (Phú Yên) gắn liền với đường mòn Hồ Chí Minh trên biển
    và những đoàn tàu không số tiếp nhận vũ khí bí mật từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

    Du khách tham quan Di tích thắng cảnh cấp quốc gia Gành Đá Đĩa (Phú Yên).

    Gành Đá Đĩa (Phú Yên) với những khối đá lăng trụ xếp chồng lên nhau cuốn hút du khách khi đặt chân đến.

    Đến với Phú Yên, du khách có thể tìm đến sự tĩnh lặng và tôn nghiêm tại Chùa Thanh Lương
     
     

    Một góc Tp. Tuy Hòa, Phú Yên.