Nhật ký hải trình “Trường Sa thân yêu”:

Gieo chữ nơi đảo xa

(NTO) Ra Trường Sa mới biết, điểm Trường TH xã Song Tử Tây có 2 phòng, lớp học có 2 thầy, một lớp có nhiều cấp học.

Trong giờ giải lao, chúng tôi tranh thủ chuyện trò cùng 2 thầy giáo. Thầy Lê Xuân Quyết, quê ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, kể: “Năm 2013, khi biết có Chương trình tình nguyện công tác tại Trường Sa, tôi viết đơn xung phong ngay. Trong suy nghĩ của tôi và cũng như những thầy giáo khác thì được ra với Trường Sa là niềm vinh hạnh rất lớn của thanh niên khi được đóng góp một phần sức lực của mình cùng chung tay xây dựng biển, đảo quê hương.

Thầy Lê Xuân Quyết say xưa hướng dẫn, chỉ dạy cho các em học sinh nơi đảo xa.

Không riêng gì bản thân tôi mà những thầy giáo khác ở huyện đảo Trường Sa đều rất yêu đảo và yêu nghề”. Thầy giáo Lê Văn Mạnh, đồng hương cùng thầy Quyết, chia sẻ: “Ra Trường Sa là niềm tự hào. Các cháu ham học lắm – tiếng đánh vần ê, a làm thầy-trò càng vui, sân trường luôn rộn ràng…”. Trước đây, nhân các lần nghỉ phép hiếm hoi (khoảng 1-2 năm mới có một lần được về đất liền), các thầy lại vùi đầu vào các lớp bồi dưỡng, bổ sung, cập nhật kiến thức do ngành Giáo dục tổ chức. Nay thuận lợi hơn là với sự quan tâm, hỗ trợ từ các ban, ngành, địa phương, ở trường đã có máy vi tính, lại được nối mạng Internet, các thầy giáo có thể dễ dàng tìm tài liệu để bổ sung vào bài giảng của mình.

Ở điểm trường đảo Song Tử Tây, thầy giáo Lê Văn Mạnh, Chủ nhiệm lớp học mầm non, còn thầy giáo Lê Xuân Quyết, Chủ nhiệm cấp TH, mỗi thầy dạy một khối lớp, dạy tất cả các môn và dạy các em suốt 5 năm TH. Sau khi hết chương trình lớp 5, các em được chuyển vào đất liền để theo học bậc THCS. Ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa chỉ đặt ra mục tiêu là làm sao để các em biết đọc, biết viết, biết tất cả các môn học ở từng cấp. Riêng môn Ngoại ngữ và Tin học, các thầy nhờ các chiến sỹ đóng quân giỏi ngoại ngữ, Tin học trên đảo sang dạy. Thế nên, trong đất liền, các học sinh được học môn gì thì ngoài Trường Sa cũng vậy. Đánh giá kết quả học tập của các em, thầy giáo Lê Xuân Quyết khẳng định: Học sinh không nhiều, một mình kèm từ 2-3 em nên theo sát được các em. Kết quả học tập các em từng năm học đều đạt khá, giỏi trở lên.

Trò chuyện miên man, thầy giáo Mạnh kể về dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam tuy đơn sơ, nhưng tình cảm, đầm ấm vô cùng. Các em học sinh đứa thì kết hoa bàng vuông, phong ba, hoa dại, em thì vẽ tranh, em thì hát múa tùy theo năng khiếu để tặng các thầy. Đảng ủy, chỉ huy đảo cũng đến chia vui Ngày Nhà giáo, các gia đình trên đảo tổ chức một bữa tiệc nhỏ mời các thầy để thể hiện truyền thống đạo lý “tôn sư trọng đạo” của mình… Giữa giờ ra chơi, rộn rã tiếng cười của các em chính là niềm vui giúp các thầy vơi đi nỗi nhớ đất liền. Ở đảo, thầy với trò cũng chính là bạn bè với nhau. Ngoài giờ lên lớp, các thầy thường chơi đùa cùng các em, với các trò chơi như nhảy lò cò, ném banh, vẽ tranh trên cát… Nhìn gương mặt với nụ cười hồn hậu, nước da rám nắng, tôi càng hiểu được những sự cống hiến thầm lặng của các thầy giáo nơi đầu sóng ngọn gió.

Tặng quà tết cho cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị

Ngày 13-1, Đoàn công tác tàu HQ 996 thuộc Hải đội 411 Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức tặng quà tết cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Thị (thuộc huyện đảo Trường Sa). Tại buổi trao quà, đoàn thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ đón tết Xuân Bính Thân 2016 và cổ truyền vui tươi, đầm ấm.