Lưu ý đặc biệt gì khi dùng thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp?

Thuốc làm giảm huyết áp (HA) hiện nay trên thị trường có nhiều loại (nhóm thuốc lợi tiểu, nhóm thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương, nhóm thuốc chẹn alpha, nhóm thuốc chẹn bêta, nhóm đối kháng canxi, nhóm ức chế men chuyển).

Mặc dù cơ chế tác dụng của mỗi một nhóm là khác nhau nhưng kết quả là làm giảm HA, nhưng còn tùy thuộc vào giới (nam, nữ), tuổi tác và cơ địa từng người.

Bên cạnh đó, cần lưu ý là dù loại thuốc nào điều trị THA cũng đều có tác dụng phụ (tác dụng không mong muốn) và điều trị bệnh THA là điều trị liên tục (không ngắt quãng), lâu dài gần như suốt cuộc đời,

không thể điều trị trong ngày một, ngày hai. Trong thực tế cho thấy một số trường hợp sau điều trị một thời gian thấy mình khỏe mạnh, HA trở về bình thường, đã ngưng không điều trị cho nên bệnh đã tăng đột biến.

Vì vậy, người bị THA, khi bắt đầu dùng thuốc cần lưu ý, trước hết, không nên nóng vội trong việc sử dụng thuốc. Bởi vì, với bệnh THA, bao giờ bác sĩ cũng có chỉ định dùng thuốc với liều thấp ban đầu, tăng liều dần dần tùy theo tiến triển của bệnh và với chỉ một loại thuốc.

Người bệnh THA cần kiên trì điều trị, không được điều trị dang dở (điều trị không liên tục), cần bỏ hút thuốc, không được thay đổi thuốc và không dùng đơn thuốc hoặc thuốc của người khác để điều trị cho mình.

Khi bắt đầu dùng thuốc THA, bác sĩ sẽ tư vấn về tác dụng, đặc biệt lưu ý tác dụng phụ của từng loại thuốc (hồi hộp, đánh trống ngực, đỏ bừng mặt, ho khan kéo dài,...).

Vì vậy, người bệnh cần hết sức lưu ý, đặc biệt là loại thuốc nhóm chẹn alpha (prazosin, terazosin,...) gây tụt HA thể đứng rất nguy hiểm hoặc thuốc nhóm chẹn bêta (atenolol, protanolol,...) chống chỉ định với bệnh hen suyễn, cần biết rõ để đề phòng và tránh dùng.

Nên lưu ý rằng, mỗi một nhóm thuốc điều trị THA đều có tác dụng phụ khác nhau và đôi khi chỉ có tác dụng phụ với người này nhưng không có tác dụng phụ với người kia, vì vậy khi có tác dụng phụ cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để thay đổi thuốc khác.

Người bị THA nếu có các bệnh khác kèm theo (hen suyễn, đái tháo đường, bệnh thận,...) cần thông báo ngay từ đầu cho bác sĩ biết để có chỉ định điều trị thích hợp (ví dụ, người có bệnh đái tháo đường týp I, cần dùng thuốc nhóm ức chế men chuyển hoặc người có mạch nhanh không dùng thuốc nhóm đối kháng canxi...).

Ngoài việc dùng thuốc làm giảm HA, cần có chế độ ăn uống hợp lý (tránh ăn mặn, không nên uống rượu, bia, cà phê, không hút thuốc lá), tránh lao động nặng, quá sức, tránh thức khuya, tránh căng thẳng thần kinh và rất cần vận động cơ thể nhẹ nhàng, thường xuyên. Nếu béo phì, thừa cân, cần giảm béo.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại