Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm: Triển khai chương trình khảo sát thư tịch cổ Chăm trên địa bàn tỉnh

(NTO) Nhằm gìn giữ, bảo lưu, phát huy giá trị các tư liệu thư tịch Chăm đang còn lưu giữ trong dân, Trung tâm nghiên cứu Văn hóa chăm đã triển khai chương trình khảo sát thống kê thực trạng thư tịch Chăm tại 22 làng Chăm gồm 35 thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh.

Chương trình được thực hiện trong 2 năm (2015-2016) bắt đầu từ tháng 7-2015 từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II thành phố Hồ Chí Minh. Công việc này nằm trong kế hoạch thực hiện chương trình ký kết liên tịch giữa hai đơn vị với nỗ lực nhằm bảo tồn khẩn cấp khối tài liệu Chăm đang có nguy cơ mất mát nhanh chóng bởi điều kiện bảo quản không tốt và tác động của môi trường cùng nhiều yếu tố xã hội khác như phong tục tập quán, vấn đề học và sử dụng tiếng Chăm hiện nay…

Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm triển khai chương trình khảo sát thư tịch cổ Chăm.

Tư liệu thư tịch Chăm đang còn lưu giữ trong dân.

Theo điều tra đánh giá sơ bộ, tỉnh ta hiện còn khoảng vài ngàn quyển thư tịch Chăm với nhiều loại khác nhau. Công việc khảo sát thống kê nắm thực trạng một cách đầy đủ là việc làm đòi hỏi công phu cần có thời gian, kinh phí cũng như nhân lực mà nhiều năm qua địa phương chưa làm được. Tuy nhiên, quan trọng hơn là sau khi thống kê khảo sát cần khẩn cấp triển khai các bước tiếp theo như xây dựng kế hoạch khôi phục, tu bổ để kéo dài tuổi thọ cho khối tư liệu; đưa vảo bảo quản trong điều kiện đảm bảo hơn và tiến hành dịch thuật toàn bộ văn bản, tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận dễ dàng các nội dung chứa đựng trong thư tịch, giúp hiểu biết hơn nền văn hóa đặc sắc của người Chăm, phục vụ cho công tác nghiên cứu… Có như thế thì mới có thể phát huy được hết các giá trị trong văn bản thư tịch. Đây là công việc cấp bách nhưng để làm được những việc này cần có những chương trình dự án lớn mới có thể triển khai thực hiện được.