Dùng gạo chữa bệnh

(NTO) Lúa gạo là cây lương thực chính trong dinh dưỡng cho người. Có 2 nhóm lúa gạo chính là lúa tẻ và lúa nếp. Từ xa xưa, gạo và nếp đều được ông cha ta dùng để ăn hàng ngày và vận dụng vào việc phòng, chữa bệnh rất đa dạng.

Lúa tẻ có nhiều cách chế biến khác nhau dùng trong chữa bệnh. Dạng đơn giản là lúa tẻ để dành, càng lâu năm càng tốt, tên thuốc gọi là Trần mễ, có vị chua, mặn, tính ấm, có công dụng dưỡng vị khí, trừ phiền chỉ khát, tiêu thực, hạ khí, cầm tả lỵ, ... Dùng chữa các chứng: Thổ tả nguy cấp, khát nước nhiều, tỳ vị quá suy yếu không tiêu hoá được, ăn vào nôn ra.

Dạng lúa để nảy mầm rồi phơi khô, tên thuốc gọi là Cốc nha, có vị ngọt, tính ấm, có công dụng kiện tỳ vị, tiêu hoá tích trệ, cầm tả lỵ, ... Dùng chữa các chứng: Thổ tả, kiết lỵ, ăn khó tiêu, ăn uống không ngon miệng.

Dùng bột gạo trộn với một số vị thuốc khác xay nhỏ, để lên men, đóng thành bánh, phơi khô gọi là Thần khúc, có vị cay ngọt, tính ấm, có công dụng kiện tỳ, thông sữa, dùng chữa các chứng ăn khó tiêu, đầy bụng, tiêu chảy do tỳ hư, tăng tiết sữa sau khi sinh. Tuỳ theo bệnh, thầy thuốc phối hợp các vị thuốc trên trong phương thuốc để chữa bệnh.

Phương pháp thực dưỡng chữa bệnh Ohsawa của người Nhật ăn cơm “Gạo lứt - Muối mè” được nhiều người vận dụng để điều chỉnh rối loạn các chức năng cuả cơ thể, phòng ngừa và chữa một số bệnh khó như ung thư, thanh lọc giải độc cơ thể, bệnh tim mạch, nhiễm phóng xạ… có hiệu quả nhất định.

Một số bài thuốc từ Gạo tẻ như sau:

• Nổi mề đay do dị ứng gió lạnh, ăn hải sản: Gạo tẻ giã nhuyễn, hoà thêm ít rượu, lấy bôi lên vùng mề đay, làm giảm ngứa phù nhanh.

• Chữa giời leo: Dùng bột gạo tẻ trộn với nước vo gạo hay nước cơm đắp lên, khi khô tẩm nước vo gạo cho ẩm, mỗi ngày thay 1 lần.

• Say xe làm nôn: Nhai một nhúm gạo rồi ngậm khi lên xe chuẩn bị đi.

• Chữa tiêu chảy khát nước: Lấy gạo cũ sao vàng già, thêm 3 lát gừng nướng, nấu cháo loãng, uống thay nước cả ngày.

• Chữa kiết lỵ: Gạo tẻ nấu cháo với nấm mèo ăn trong ngày.

• Trẻ con bị trớ sữa: Dùng 2 muỗng cơm nguội với một nhúm tinh tre (vỏ tre xanh), giã nhuyễn, sao vàng, nấu đậm, cho uống thay nước cả ngày.

• Phòng ngộ độc thức ăn như khoai mỳ, các loại ốc ruộng, sò ốc biển… Ngâm các thứ cần luộc, hấp ăn trong nước vo gạo 1 buổi, rồi đem xả nước sạch, mới đem luộc, hấp, chế biến thức ăn.