Công tác “xã hội hóa giáo dục” ở các trường miền núi

(NTO) Công tác xã hội hóa giáo dục đang ngày càng được các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đẩy mạnh. Đây không chỉ là giải pháp để nâng cấp, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, môi trường học tập mà cũng là dịp để phát huy tinh thần đoàn kết và tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường-gia đình-xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh.

Phát huy sức mạnh đoàn kết

Tuy phải dạy và học trong môi trường, điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng các trường TH, THCS đóng trên địa bàn các xã miền núi tỉnh ta hiện nay rất “xanh-sạch-đẹp”. Sân trường được bê-tông; vườn hoa, cây xanh được đầu tư chăm chút, bài trí thoáng mát; có thư viện ngoài trời, vật dụng hỗ trợ trò chơi dân gian cho học sinh. Các bức tường lớp học đều được sơn, vẽ thành những bức tranh hay thông điệp tuyên truyền dễ nhớ, dễ hiểu… Tất cả những công trình đều có nguồn kinh phí khá lớn nhưng lại không phải được đầu tư từ ngân sách Nhà nước mà do chính các thầy, cô giáo cùng đóng góp công sức làm nên.

Ngôi nhà sàn ở Trường TH Phước Thắng, huyện Bác Ái do phụ huynh
góp sức xây dựng làm nơi đọc sách, sinh hoạt truyền thống cho học sinh.

Các trường học đóng trên địa bàn huyện miền núi Bác Ái và một số xã của huyện Thuận Bắc có một phong trào rất ý nghĩa, đó là các thầy, cô giáo dành tặng cây xanh, ghế đá và đóng góp kinh phí để bê-tông hóa sân trường, xây dựng bồn hoa, mô hình biển đảo… Nhờ đó, hầu hết các khuôn viên trường học từ xã Phước Bình, Phước Hòa, đến Phước Thành, Phước Trung, Phước Kháng, Bắc Sơn… đều đã được “phủ xanh” và sạch, đẹp. Càng “đẹp” hơn khi các giáo viên không chỉ ủng hộ kinh phí mà còn tự mình làm “thợ hồ”, “thợ làm vườn”… tự tay thiết kế, xây dựng. Thầy giáo Lê Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngô Quyền, xã Phước Tiến (Bác Ái) cho biết, những công trình do chính các thầy, cô giáo thiết kế, xây dựng thường có “tiến độ thi công” khẩn trương, chất lượng đảm bảo và tuổi thọ lâu dài. Đơn giản, bởi họ làm vì học sinh, vì môi trường nơi mình đang gắn bó và biết quý trọng công sức, tiền của bỏ ra. Những công trình này cũng được học sinh giữ gìn, bảo quản, chăm sóc tốt hơn khi các em biết là do thầy, cô giáo xây dựng.

Ngoài giờ lên lớp thì những buổi lao động làm “thợ hồ” đổ bê-tông sân trường, xây bồn hoa hay chăm sóc cây cảnh cùng nhau cũng là cơ hội để cán bộ, giáo viên trong trường có thời gian chia sẻ và hiểu nhau nhiều hơn. Thầy giáo Anh Dương Văn Công, giáo viên Trường TH Phước Thắng (Bác Ái), chia sẻ: Hè năm 2014, để kịp “tiến độ” cho công trình “Mô hình biển, đảo” đưa vào sử dụng đúng dịp năm học mới, nhiều thầy giáo phải ở lại trường “thắp đèn” làm đêm. Cũng nhờ những buổi lao động như thế, anh em đồng nghiệp mới hiểu và càng quý mến nhau, tích cực hỗ trợ, giúp nhau để góp phần xây dựng tập thể nhà trường lớn mạnh.

Tất cả “Vì học sinh thân yêu”

Tấm lòng của các thầy cô giáo không chỉ là động lực cho học sinh chuyên cần đến lớp, hăng say học tập mà còn “lay động” các bậc phụ huynh vốn không coi trọng việc học hoặc cho rằng chuyện xây dựng trường lớp là trách nhiệm của chính quyền, của nhà trường. Thầy giáo Dương Văn Công cho biết thêm: Khi thấy các thầy, cô giáo tự bỏ tiền, bỏ công sức để làm vườn hoa, xây dựng mô hình cho học sinh, nhiều phụ huynh học sinh đã thay đổi suy nghĩ, họ truyền tai nhau rằng “thầy cô là người dưng còn làm được, mình là cha mẹ sao không thể vì con”.

Một điểm đặc thù về công tác xã hội hóa giáo dục ở các trường học trên địa bàn miền núi đó là tất cả mọi người đều có thể góp công, góp sức để xây dựng nhà trường với mục tiêu “vì học sinh thân yêu”. Nhiều phụ huynh ủng hộ tre nứa, lá rừng, gạch đá, xi-măng… để cùng nhà trường làm nhà sàn, nhà ăn tập thể, xây bồn hoa, làm sân chơi… Những phụ huynh khác không có kinh phí, vật liệu thì tự nguyện đóng góp ngày công để cùng nhà trường xây dựng các công trình, hàng ngày đến nấu cơm cho học sinh ở các trường bán trú…

Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, nguồn ngân sách hạn hẹp thì xã hội hóa giáo dục là chính sách đúng đắn, cần thiết để cải thiện điều kiện, môi trường học tập. Những câu chuyện thực hiện xã hội hóa giáo dục ở các xã miền núi còn mang lại những ý nghĩa lớn hơn, đó là nâng cao nhận thức của cộng đồng, để họ có trách nhiệm, ý thức hơn với sự nghiệp giáo dục.