Im lặng là vàng?

(NTO) Trong mỗi công sở, khá nhiều người chọn cho mình phương pháp “im lặng là vàng” để ứng xử trong hội họp, sinh hoạt, lúc giao tiếp nơi họ làm việc. Và bài học “im lặng” không cần tuyên truyền, phổ biến lại được nhiều người vận dụng nhuần nhuyễn đến mức có nơi trở thành “hội chứng”. Vậy “im lặng” có thật sự là “vàng”?

Nơi công sở

Cô em gái tôi đang công tác tại huyện, do nhu cầu cán bộ được điều động về cơ quan tỉnh. Vốn tính linh hoạt, chưa đầy một tháng cô đã làm quen với hầu hết cán bộ, nhân viên cơ quan mới. Trong mỗi lần họp sơ kết, tổng kết cô bao giờ cũng là người hăng hái phát biểu góp ý xây dựng cơ quan, chân tình phê bình những hạn chế của đồng nghiệp. Mọi người khen cô năng động, làm việc hiệu quả, cấp trên thường lấy cô làm gương để nhắc nhở người khác. Kết quả năm công tác cô được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được tập thể giới thiệu bình chọn danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Cứ tưởng người như cô chắc chắn được khen thưởng nhưng kết quả kiểm phiếu bầu cô chỉ đạt 50% trong khi quy định phải đạt tỉ lệ 90% số phiếu trở lên. Thấy thương tình, chị lớn tuổi trong cơ quan gọi nói nhỏ “em xứng đáng lắm nhưng chỉ tại em hay góp ý”, nhớ “im lặng là vàng em ạ”!?

Cùng vào làm việc một ngày với cô là người bạn gái, năng lực không có gì nổi trội nhưng được cái ai góp ý gì cũng xin tiếp thu, xin cảm ơn, sinh hoạt cơ quan nếu được hỏi ý kiến bao giờ cũng đồng ý. Nhiều người khen bạn gái cô hiền, vậy là người bạn ngày nào trở thành thủ trưởng của cô. Dù sao cũng là bạn bè cùng khoá học nên quan hệ giữa họ vẫn tốt đẹp như ngày nào. Thế rồi do sáp nhập, cô chuyển về công tác cơ quan khác. Nơi cơ quan mới, thủ trưởng thấy cô làm việc trách nhiệm, hiệu quả, trung thực đã quan tâm tạo điều kiện kết nạp vào Đảng và bổ nhiệm giữ chức vụ phó phòng. Ngẫm lại những ngày đã qua, cô chia sẻ kinh nghiệm “cứ sống hết mình” và “mình vì mọi người” rồi cái gì đến sẽ đến!

Nơi trụ sở doanh nghiệp

Nghe tôi kể chuyện về đứa em gái, anh bạn thân là doanh nhân lên tiếng “im lặng đúng là vàng đấy ông ạ”. Tưởng được hắn chia sẻ ai ngờ lại tiếp dầu vào lửa, tôi bực dọc “chắc doanh nghiệp ông có vấn đề hay sao mà nói vậy”. Không thèm để ý tôi “nổi cáu”, hắn cười hề hề, rồi kể: Ông biết không, nhà sáng chế vĩ đại Edison của Vương quốc Anh khi tạo ra một dụng cụ điện tử, ông muốn bán phát minh này với giá 3.000 USD rồi tự nhủ nếu các thương gia chỉ trả 2.000 USD cũng được. Lúc gặp nhau, họ hỏi ông về giá cả, Edison lúng túng không biết nói thế nào. Thấy vậy, một người trong số họ đành phải bắt đầu trước: Chúng tôi không trả cao đâu, ông nghĩ sao với cái giá 40.000 USD? Nhờ “im lặng” mà Edison hốt vàng ròng, ông thấy mình nói đúng chưa! Lúc này thì tôi “nổi…” thật sự: Ông lúc nào cũng lợi nhuận với lãi ròng… Thấy tôi “phát” quá, hắn dịu giọng: Ngày mình mới vào làm doanh nghiệp, được mấy đàn anh, đàn chị cùng phòng “giáo huấn” về nhiều vấn đề cần tránh, nhất là bí quyết “tốt nhất là hãy im lặng khi làm việc”. Hỏi lý do, đàn anh chỉ bảo rằng “hoạ từ miệng, phúc cũng từ miệng”, mình nói tốt chẳng ai khen nhưng nếu lỡ lời thì “vô phương cứu chữa”. Ban đầu cũng thấy áy náy nhưng rồi nhận thấy từ sếp cho đến các đồng nghiệp ai cũng cởi mở và thân thiện như người nhà của nhau, mình nhanh chóng hoà nhập và được chỉ bảo tận tình để làm quen nhanh với môi trường, phương pháp làm việc. Sau này ra mở doanh nghiệp riêng, mình vận dụng phương pháp điều hành quản trị mở của doanh nghiệp cũ nhưng có điều chỉnh đôi chút cho phù hợp với tên gọi “cùng tiến”. Mọi cá nhân được tạo điều kiện tham gia vào toàn bộ quá trình quản trị doanh nghiệp. Các ý tưởng, sáng kiến, cải tiến, sáng chế của cán bộ, công nhân viên nhờ vậy nảy nở như hoa mùa xuân, họ được trả công xứng đáng cho những ý tưởng, sáng kiến, sáng chế có giá trị và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp trưởng thành từ chính những cá nhân này. Vậy theo ông “im lặng có còn là vàng nữa không?”- anh bạn doanh nhân phản đòn.

Để im lặng không còn là vàng

Từ câu chuyện trên, dễ nhận thấy trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn có những cá nhân vận dụng triết lý “im lặng là vàng”. Có thể do tính cách riêng, có thể do môi trường công tác và không loại trừ sự toan tính thực dụng, cơ hội. Nếu họ số đông sẽ là nguy cơ làm mất dân chủ ở cơ sở, dẫn đến triệt tiêu động lực phát triển. Để phá vỡ sự “im lặng” rất cần người đứng đầu tạo môi trường công tác để mọi người phát biểu, tranh luận, hiến kế, đồng thời trọng dụng, đãi ngộ người có đức, có tài xứng với công sức, đóng góp của họ.