Vì chủ quyền biển, đảo quê hương

(NTO) Với hơn 100 km bờ biển, cùng ngư trường phong phú, sinh kế từ biển trở thành một phần quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân tỉnh ta. Ý thức về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cũng được nảy nở tự nhiên, vun đắp từ đời này sang đời khác và in hằn trong tình cảm, ý chí của nhân dân.

Để bồi đắp ý thức chủ quyền biển, đảo trong toàn dân, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về vấn đề biển, đảo bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị quán triệt, tuyên truyền; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ hướng về biển, đảo quê hương; phản ánh cuộc sống, chiến đấu của các lực lượng chấp pháp của ta trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa qua các phương tiện thông tin đại chúng… Từ đó đã có những tác động mạnh mẽ đến ý thức sát cánh cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tầng lớp nhân dân.

Ngư dân Ninh Hải vươn khơi bám biển, khai thác hải sản.
Ảnh: Văn Miên

Thể hiện rõ nhất là sự đồng tình và hưởng ứng mạnh mẽ của cán bộ và nhân dân trong tỉnh với Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” được UBND tỉnh phát động vào tháng 11 năm 2013 nhằm kêu gọi sự chung tay, góp sức của các ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, góp phần động viên vật chất và tinh thần đối với quân và dân ta ở Trường Sa, Hoàng Sa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ khi phát động đến nay, Ban vận động Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” của tỉnh đã nhận được sự đóng góp bằng vật chất của 805 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và 70 cá nhân trong tỉnh, với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Ban vận động đã gửi về Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” của Bộ Quốc phòng 500 triệu đồng; đồng thời trích gần 2 tỷ đồng thăm, tặng quà các đơn vị Cảnh sát biển, Hải quân và gia đình cán bộ, chiến sĩ Ninh Thuận đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Qua đó, góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ Hải quân và Cảnh sát biển vượt qua khó khăn, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió.

Cán bộ Bảo hiểm Nhân Thọ quyên góp “Quỹ vì Trường Sa thân yêu”. Ảnh: V.M

Hướng về Trường Sa, tuổi trẻ tỉnh nhà không chỉ trực tiếp canh giữ trời biển mà còn tham gia phát triển kinh tế địa phương, góp phần xây dựng thế và lực cho đất nước. Mỗi năm, tỉnh ta có hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ nhận nhiệm vụ tại các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Cùng với những người lính trẻ kiên cường trước sóng gió, tuổi trẻ khắp các địa phương trong tỉnh cũng thể hiện tình cảm với biển, đảo bằng những nỗ lực trong lao động, học tập, tham gia các cuộc thi tìm hiểu, sinh hoạt văn nghệ.. xung kích, tình nguyện trên nhiều mặt trận. Các hoạt động hướng về biển, đảo quê hương đặc biệt được đẩy mạnh trong năm 2014, khi lần đầu tiên trong nhiệm kỳ 2012-2017, Tỉnh Đoàn đã tổ chức triển lãm tư liệu, bản đồ, ấn phẩm, hiện vật về Trường Sa, Hoàng Sa tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên. Các huyện, thành đoàn và Đoàn trực thuộc lồng ghép chiếu phim tư liệu “Trường Sa, Hoàng Sa- nơi ghi dấu hồn thiêng đất Việt” và phát động ủng hộ chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” dưới hình thức gửi tin nhắn qua điện thoại. Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” được ĐV-TN đóng góp hơn 250 triệu đồng cùng cả tỉnh động viên cán bộ, chiến sĩ và ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền Trường Sa-Hoàng Sa của Tổ quốc. Học sinh các cấp trong tỉnh cùng chung niềm tự hào hướng về biển, đảo thông qua 195 bức tranh và hơn 2.000 lá thư gửi các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa và các đồn Biên phòng… Thông qua đó, các thế hệ thanh niên được bồi dưỡng tình cảm với biển, đảo quê hương, làm cơ sở để xây dựng những việc làm ý nghĩa, thiết thực, thể hiện sự hăng hái, nhiệt tình cũng như trách nhiệm với Tổ quốc.

Còn đối với những ngư dân ngày ngày bám biển, khái niệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo được đồng nhất với hoạt động khai thác hải sản, hăng say lao động làm giàu cho quê hương. Có lá cờ Tổ quốc trên mỗi chiếc tàu thuyền làm bạn đồng hành, chuyến ra khơi theo từng luồng cá, tôm như có cả niềm tin vững bền vào sức mạnh của dân tộc. Để thuận lợi trong việc khai thác ở những ngư trường lớn như Trường Sa, ngư dân tỉnh ta đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu lớn, trang bị hiện đại. Không những thế, nhiều chương trình hỗ trợ từ Nhà nước thông qua tập huấn, tuyên truyền, trang bị kiến thức, phương tiện cho ngư dân cũng góp phần đẩy mạnh hoạt động vươn khơi đánh bắt hải sản xa bờ. Chính vì vậy mà mỗi chuyến ra khơi với ngư dân Ninh Thuận không chỉ vì sinh kế mà hơn cả là góp thêm hành động bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.